Tuesday, July 12, 2011

Tranh chấp Biển Đông ám ảnh chuyến công du của Mỹ

Tranh chấp Biển Đông ám ảnh chuyến công du của Mỹ

Jeremy Page/Wall Street Journal
Người dịch: Đan Thanh/Anh Ba Sàm

Bắc Kinh – Căng thẳng trong vùng biển tranh chấp – biển Hoa Nam (tức Biển Đông theo cách gọi của Việt Nam – ND) – có nguy cơ làm phân tán tâm trí Đô đốc Mike Mullen, chủ tịch Bộ Tổng tham mưu Hoa Kỳ, trong chuyến thăm của ông tới Trung Quốc sau đợt lạnh mặt gần đây trong quan hệ quân sự song phương.
Đô đốc Mullen đến Bắc Kinh vào thứ bảy, ngay khi Mỹ và hai đồng minh quân sự chính của họ trong khu vực là Nhật Bản và Australia bắt đầu tập trận hải quân chung ở biển Hoa Nam lần đầu tiên – một động thái chắc chắn sẽ chọc giận Trung Cộng, nước đang đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ biển Hoa Nam.
Hai quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho báo chí biết, Nhật và Mỹ mỗi nước sẽ có một tàu khu trục, còn Australia góp một tàu tuần tra vào cuộc tập trận chung nhằm phát triển các hoạt động chiến thuật và truyền thông ở ngoài khơi Brunei.
Hai vị quan chức cho hay, ba nước đã tiến hành tập trận chung từ năm 2007, nhưng chưa bao giờ tập ở biển Hoa Nam, nơi Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei đều cùng có những yêu sách chủ quyền mâu thuẫn nhau.
Bộ Ngoại giao Trung Cộng chưa có phản ứng ngay tức thì khi được đề nghị bình luận, nhưng trong quá khứ, họ đã liên tục phản đối các cuộc tập trận của hải quân Mỹ gần nơi mà họ coi là vùng biển thuộc chủ quyền của mình. Giới chức Australia cũng không có bình luận ngay.
Ban đầu, các quan chức Ngũ Giác Đài có vẻ không biết về cuộc tập trận – Hạm đội Thái Bình Dương cũng vậy – và sau khi đã được xác nhận, họ chật vật tìm cách hạ bớt tầm quan trọng của các cuộc tập trận và ngăn chặn mọi tổn hại có thể xảy đến với quan hệ Mỹ-Trung. Một quan chức đánh giá các cuộc tập trận là “ở tầm rất thấp”.
Được gọi là “Passex” – từ mà hải quân Mỹ dùng để chỉ một cuộc tập trận chóng vánh – các cuộc thao diễn được dự định là diễn ra ngay sau khi các tàu tham gia triển lãm quốc phòng ở Brunei tổ chức duyệt binh. Đợt duyệt binh được tổ chức cách bờ biển Brunei 5 hải lý. Quan chức Mỹ cho biết cùng với các tàu Nhật Bản, Australia và Hoa Kỳ, sẽ có hai tàu Trung Cộng là Wuhan (Vũ Hán) và Yulin (Du Lâm?).
Mỹ đã và đang cố gắng khuyến khích hoạt động tập trận đa phương với các đồng minh ở châu Á. Nhưng quan chức quân đội Mỹ khẳng định sự kiện mà Nhật Bản vừa công bố “không có ý định gửi tín hiệu gì” tới Trung Cộng.
Một quan chức quốc phòng Mỹ nói: “Đó là các cuộc tập trận mà chúng tôi tiến hành thường lệ trên các vùng biển quốc tế. Không quốc gia nào có thể lợi dụng được gì từ những cuộc tập trận thường lệ, ở tầm rất nhỏ bé, rất thấp này”.
Nhưng ngay từ trước khi tin về các cuộc tập trận chung của hải quân được công bố, giới ngoại giao ở Bắc Kinh đã nói họ tin rằng vấn đề biển Hoa Nam sẽ là vấn đề nổi trội trong chuyến đi của Đô đốc Mullen.
Ông Mullen là chủ tịch đầu tiên từ năm 2004 đến nay của Bộ Tổng Tham mưu Hoa Kỳ đi thăm Trung Cộng, và là quan chức cấp cao quân sự – quốc phòng đầu tiên sang Trung Cộng kể từ hồi tháng 1, khi Robert Gates, cựu bộ trưởng quốc phòng, công du Trung Cộng và bị một phen lúng túng vì Trung Cộng cho thử nghiệm chiếc máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên J-20.
Chuyến đi 5 ngày của Đô đốc Mullen là sự đáp lễ đối với chuyến thăm Mỹ hồi tháng 5 của Tướng Trần Bỉnh Đức (Chen Bingde), người đồng nhiệm Trung Cộng. Khi ấy Trần Bỉnh Đức đã cố gắng tái khẳng định với chủ nhà Hoa Kỳ rằng Trung Cộng không phải là mối đe dọa quân sự đối với Mỹ.
Theo dự kiến, Đô đốc Mullen sẽ chuyển một thông điệp tích cực tương tự đến Trung Cộng trong quá trình đi thăm vài địa điểm quân sự, gặp gỡ các lãnh đạo quân sự và dân sự của Trung Cộng – trong đó có cả người sẽ đương nhiên kế nhiệm Chủ tịch Hồ Cẩm Đào là Phó Chủ tịch Tập Cận Bình – và sẽ có bài diễn văn trước sinh viên Trung Cộng.
Nhưng thậm chí ngay cả khi hai bên nỗ lực tái thiết quan hệ quân sự (mà chỉ vừa được nối lại vào tháng 1 vừa qua, sau một năm bị Bắc Kinh đóng băng), căng thẳng lại đang gia tăng trên biển Hoa Nam, nơi mà theo các chuyên gia là có chứa trữ lượng dầu và khí đốt rất giá trị.
Một số nước có yêu sách chủ quyền – trong đó đáng chú ý nhất là Việt Nam – đã đẩy mạnh quan hệ quân sự với Mỹ kể từ đầu năm nay, khi các nhân vật quân sự và dân sự Trung Cộng bắt đầu ra những tuyên bố quyết liệt hơn về yêu sách chủ quyền của họ ở khu vực.
Trong khi đó, Trung Cộng đã và đang buộc tội Hoa Kỳ làm phức tạp tình hình, bắt đầu từ thời điểm bà Hillary Clinton, Ngoại trưởng Mỹ, tuyên bố tại Hà Nội vào năm ngoái rằng Mỹ có lợi ích trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải trên biển Hoa Nam, nơi phần lớn hàng hóa thương mại quốc tế được chuyên chở qua.
“Mỹ tuyên bố bảo vệ tự do hàng hải trên biển Hoa Nam, nhưng thật ra họ đang bảo vệ lợi ích quân sự của chính họ” – ông Jin Yongming, một học giả tại Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải và Viện Hải dương học Trung Cộng, viết trên tờ China Daily hôm thứ năm vừa qua.
Hồi đầu năm nay, tranh chấp có vẻ đã dịu xuống, nhưng rồi lại bùng lên trong những tuần mới đây với một loạt sự vụ trên biển cũng như những cuộc đấu khẩu công khai giữa Trung Cộng và các quốc gia có yêu sách chủ quyền khác, đặc biệt là Việt Nam và Philippines.
Cuối tháng trước, Việt Nam tuyên bố rằng tàu Trung Cộng đã ngăn trở hoạt động thăm dò khai thác dầu khí của Việt Nam trong khu vực 200 hải lý ngoài bờ biển miền Trung Việt Nam, nơi họ đã khẳng định là vùng đặc quyền kinh tế. Biểu tình chống Trung Cộng nổ ra tại Hà Nội trong 5 tuần liên tiếp.
Philippines buộc tội tàu Trung Cộng xâm phạm vùng biển của Philippines ít nhất 9 lần trong vài tháng qua.
Trung Cộng bác bỏ mọi lời buộc tội của cả Việt Nam lẫn Philippines và nhắc lại yêu sách chủ quyền đối với gần như toàn bộ biển Hoa Nam.
AP đưa tin, tuần qua, quan chức Philippines cũng nói rằng họ đã cấm một nhà ngoại giao cao cấp của Trung Cộng tham dự các hội nghị, do ông này lên giọng với một quan chức Philipplines trong một cuộc thảo luận hồi tháng trước, khi hai bên trao đổi về tranh chấp chủ quyền.
Biển Hoa Nam đã được dự đoán sẽ là tâm điểm của các cuộc thảo luận giữa Albert del Rosario, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, với người đồng nhiệm Trung Cộng Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) khi đôi bên gặp nhau tại Bắc Kinh vào thứ sáu.
Tuy nhiên, thông cáo báo chí do thông tấn xã Tân Hoa phát hành chính thức sau đó chỉ nói rằng hai bên sẽ “có những nỗ lực chung để bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực biển Hoa Nam”, theo tinh thần Tuyên bố chung 2002 về ứng xử của các bên trên Biển Đông.
Bản tuyên bố với những lời lẽ mơ hồ, ký giữa Trung Cộng và các thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cam kết giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, và thể hiện sự kiềm chế, nhưng lại không bao gồm một bộ quy tắc ứng xử cụ thể nhằm ngăn chặn và giải quyết các vụ đối đầu trên biển.
Người ta dự đoán là vấn đề sẽ được tiếp tục đặt lên cao trong chương trình nghị sự của Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN, tổ chức tại Bali (Indonesia) tuần tới. Bộ trưởng ngoại giao của 10 quốc gia Đông Nam Á và 17 nước khác có lợi ích trong khu vực, kể cả bà Clinton, sẽ tham dự diễn đàn này.
Bài viết được thực hiện với sự đóng góp của Julian E. Barnes ở Washington và Herng shinn Cheng ở Tokyo.

Chú thích ảnh: Trước giờ tập trận chung của hải quân Mỹ-Philippines, tháng 6, gần quần đảo Trường Sa đang bị tranh chấp giữa các bên. Những người công nhân này đang đứng nhìn tàu Chung Hoon của Mỹ, một tàu khu trục trang bị hỏa tiễn (AFP).

Nguồn: Anh Ba Sàm

No comments:

Post a Comment