Sunday, July 31, 2011

Viết về một người vừa nằm xuống

Viết về một người vừa nằm xuống
 
 
Dương Trung Quốc
7.2011
 
 Ông Nguyễn Cao Kỳ thua nhạc sĩ Phạm Duy không đầy một con giáp, đều là người Hà Nội (cho dù cả hai ông có quê gốc ở Sơn Tây) vì cả hai ông đều lớn lên và soi gương trên những bóng nước Hà Thành…
Nghĩ lại như một cái điềm. Khuya hôm đó, ngồi cạnh nhạc sĩ Phạm Duy trong đêm nhạc của ông tại Nhà Hát Lớn Hà Nội mang chủ đề “Người Phiêu Lãng”, tôi được nghe những lời tâm sự với khán giả của người nhạc sĩ tài danh đã bước qua tuổi 90 :“Được sinh ra, được lớn lên, được làm nhạc, được nghe hát bài hát của mình tại quê hương rồi sẽ được chết tại quê hương của mình là một niềm hạnh phúc”.
Nghe điều đó, tôi chia sẻ với cảm xúc của người nghệ sĩ già và chợt nhớ đến một người khác tuổi cũng không còn trẻ, lúc này không biết đang ở đâu? Là ông Nguyễn Cao Kỳ. Vậy mà ngày hôm sau, nhận được tin ông ấy đã nằm xuống mãi mãi và ông mất tại đất nước Malaixia ân nghĩa với ông. Căn lại giờ giấc thì ông Kỳ qua đời chỉ vài tiếng đồng hồ sau cái thời điểm tôi được nghe nhạc sĩ Phạm Duy tâm sự và nghĩ tới ông.
Ông Nguyễn Cao Kỳ thua nhạc sĩ Phạm Duy không đầy một con giáp, đều là người Hà Nội (cho dù cả hai ông có quê gốc ở Sơn Tây) vì cả hai ông đều lớn lên và soi gương trên những bóng nước Hà Thành. Phạm Duy có thói quen cứ ra Hà Nội là chọn đúng một cái khách sạn được cất lên ngay từ ngôi nhà ông đã sống thuở thiếu thời ở phố Hàng Dầu, nên Hồ Hoàn Kiếm là cái không gian gần gũi và thân thiết nhất của ông.
Còn ông Nguyễn Cao Kỳ, quê ở Sơn Tây nhưng gần như những năm tuổi trẻ sống gần Hồ Trúc Bạch, gắn bó với mái trường Chu Văn An bên bờ Hồ Tây mà có lần tôi gặp ông khi  cùng đến dự Ngày hội kỷ niệm 100 năm Trường Bưởi (2008). Ông có nói với tôi rằng, lần đầu khi từ Mỹ về tới Sài Gòn nơi làm ông bồi hồi nhất là ký ức về thời điểm sống còn khi ông lên máy bay tự lái hướng bay ra biển. Vì thế, cái sân bay Tân Sơn Nhất là dấu ấn gợi nhớ hơn cả. Còn khi ra Hà Nội thì ngôi trường Bưởi bên Hồ Tây lại là nơi gợi nhớ nhất vì nó gắn với tuổi mới lớn của chàng trai Xứ Đoài. Ông giải thích rằng ở bên Ta thì cái tình đồng hương sâu nặng còn ở bên Tây thì cái tình đồng môn còn quan trọng  hơn. Ngoài ra thì ở bên Ta hay bên Tây cũng đều có caí tình đồng ngũ nếu mình đã từng tham gia trận mạc.
 
Ông Nguyễn Cao Kỳ (trái) và Nhà sử học Dương Trung Quốc
Tôi biết ông từ lâu vì ông là một nhân vật của lịch sử thời hiện đại. Ông là chính khách và thủ lĩnh “phía bên kia” thường được “phía bên này” coi là... “ngụy”. Và vì ông từng mang hàm cấp tướng lại còn làm đến chức Thủ tướng, Phó Tổng thống nên ông thuộc loại cả “nguỵ quân” lẫn “nguỵ quyền”. Thưở ấy, với “ngôn ngữ lập trường giai cấp” thì tên ông còn được gọi bằng nhiều cách, hoặc gắn với “tập đoàn Thiệu-Kỳ-Hương”, hoặc gắn với vẻ bề ngoài hay tính cách của ông như  “râu kẽm”, “cao bồi”...thậm chí còn lái chữ một cách miệt thị... Vì thế, tôi cũng chẳng bao giờ nghĩ có một ngày gặp được một Nguyễn Cao Kỳ tại Hà Nội..
Nhưng rồi vẫn gặp. Đó là khi ông mới lần đầu ra Hà Nội. Việc ông về nước được xã hội cũng như các cơ quan nhà nước coi là một hiện tượng “không mấy bình thường”. Do vậy, cái vẻ xã giao, giữ kẽ vẫn diễn ra trong những buổi tiếp tân ban đầu. Tôi tham gia cùng Hội Liên lạc những người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức tiếp một vị Việt kiều đặc biệt với tâm trạng thăm dò xem việc một chính khách “bự” như ông hồi hương có mang theo thông điệp hay ý đồ gì không và tìm cách hướng việc ông về vào chủ trương “hoà giải” mà nhà nước đang nói nhiều.
Cái buổi gặp ấy còn để lại cho tôi một vài tấm ảnh mọi người đều ăn mặc chỉn chu, kiểu cách, bắt tay , trao đổi như những chính khách gặp nhau...Nhưng với ông Nguyễn Cao Kỳ mọi cái khoảng cách dường như được xoá bỏ nhanh hơn nhờ cách ứng xử đơn giản nhưng rất rõ ràng của ông. Các cuộc tiếp xúc với những người có cương vị lãnh đạo hay cơ quan chức năng, những câu trả lời phỏng vấn báo chí và những câu chuyện mà những người có dịp gặp và trao đổi cùng ông được người ta kể lại cho nhau. Tất cả cho thấy ông là một ngươi có quan điểm rõ ràng và rất thực tế. Sau này, ông đường hoàng bước vào Hội trường Thống nhất trong một buổi lễ kỷ niệm ngày 30-4, hay vui vẻ nâng cốc cùng ông Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam giữa nước Mỹ ...
Ông nói không úp mở rằng: là một tướng lĩnh ông là người thua trận; là một chính khách ông là người thất bại; là một người trung thực với chính mình ông không ân hận về những gì mình đã làm; là một người nặng lòng với nước ông mong dân nước ngày càng phát triển; với bạn bè ông vẫn giữ được những mối quan hệ trung thành; với những người bất đồng chính kiến ông vẫn giữ được sự tôn trọng; và với cuộc sống ông là người may mắn, đã vượt quá tuổi “cổ lai hy” cả thập kỷ mà vẫn giữ được sức khoẻ; sau những biến cố khắc nghiệt ông vẫn được trở về với quê hương. Và trong những lần về thăm quê gốc ông cũng ước mong là sẽ có một vuông đất để ẩn mình lần cuối ở Xứ Đoài.
Sau lần gặp xã giao ấy, tôi có nhiều dịp được gặp ông trong mối quan hệ ngày một bình thường, với tuổi tác, tôi coi ông như một người bạn vong niên; với nghề nghiệp, tôi coi ông như một nhân chứng của lịch sử. Buổi đầu, Ông Kỳ cũng có ý định nhờ những quan hệ với bạn bè bên Mỹ để giới thiệu họ về nước làm ăn với những doanh nghiệp Việt Nam mà tôi quen biết, nhưng hình như đường làm ăn kinh tế của ông không thành đạt, có người bảo ông ngây thơ, có người bảo ông không có duyên ...
Ngồi ăn cơm với tôi ở một quán quen, chuyên thổi cơm Bắc mà chủ nhân là anh bạn của tôi ở Sài Gòn, ông Kỳ nói rằng cái tài sản lớn nhất của ông là ký ức và bộ gậy đánh gôn, cả hai thứ đều “xịn” cả. Một cái có được nhờ những trải nghiệm cả đời của ông trên một xứ sở bị chiến tranh dày vò và tâm hồn bị xé nát. Một cái có được nhờ những giao thiệp và cái thú chơi càng về già càng dễ ham của ông. Võ sư Lý Huỳnh, một thời từng là “cận vệ của thiếu tướng”, người ở lại lập nghiệp điện ảnh trên quê hương của mình, mỗi lần đón ông về Sài Gòn đều tiếp tục tháp tùng ông, không phải bằng khả năng võ nghệ  mà  bằng sự quảng giao của mình để ông có cơ hội gặp gỡ nhiều hơn. Nghệ sĩ Lý Hùynh nói rằng ngay cái thời giữ quyền lực lớn thì Nguyễn Cao Kỳ vẫn không phải là người giaù có.
Tôi ít tuổi hơn ông gần hai thập kỷ. Một hồi cứ ra Hà Nội là ông trọ ở cái khách sạn nằm trong phố cổ, phố Hàng Đường của tôi. Giống như Phạm Duy thích ở Hàng Dầu vì một bước khỏi cửa là đã thấy nước, thấy gió của Hồ Gươm. Còn ông Kỳ thì thích cái khách sạn này vì một bước ra cửa là thấy Chợ Đồng Xuân và đêm nằm tĩnh mịch vẫn hình dung ra tiếng rít của bánh xe điện giảm tốc trước khi dừng trước bến đỗ cửa chợ. Chỉ người Hà Nội xưa cũ mới có cái cảm giác ấy.
Cũng vì cái khách sạn ấy chỉ xế nhà tôi một đoạn ngắn mà có lần ông sang nhà  thăm bà mẹ của tôi cũng chỉ hơn ông 5 tuổi, vì ông là bạn học với em của mẹ tôi, người mà tôi gọi bằng cậu đang sống bên Pháp, nên câu chuyện giữa hai người là  câu chuyện cùng thế hệ của người Hà Nội kẻ ở người xa.
Trong những câu chuyện với ông, tôi vẫn lựa lời mong có một ngày được hành nghề , làm một cuộc trò chuỵên dài với ông như môt chứng nhân lịch sử. Ông có nói về cuốn hồi ký viết bằng tiếng Anh với một tác giả người Mỹ có tựa đề dịch ra Việt ngữ là “Đứa con cầu tự- Cuộc chiến để cứu Việt Nam của tôi” . Ông cũng nói rằng nếu có thời gian ông sẽ viết nữa, với những gì ông nhìn nhận kể từ khi ông có dịp về nước.
Ông cũng nói với tôi về hồi ký của những nhà chính trị. Ở Mỹ, chính khách rời chính trường, chức vụ là viết luôn, hay nói cách khác đã trở thành tập quán khi đương chức đã có ý thức chuẩn bị để viêt hồi ức rồi. Theo ông đó là loại hồi ký mang tính cách giáo khoa, viết sớm để khỏi quên , đôi khi đã có hợp đồng sẵn...  nhưng khi chưa có thời gian để đủ “ngấu” (thuật ngữ ẩm thực) thì cái món hồi ký ấy chỉ để đỡ đói (cho những kẻ tò mò) mà chưa đủ dinh dưỡng. Nói cách khác là phải có thời gian suy ngẫm thì một hồi ức mới có giá trị lâu bền. Ông nói với tôi như để nói về cuốn hồi ức mà ông đã công bố và cũng để nói về một ý tưởng “lúc nào đó” ông sẽ viết tiếp, viết đủ và viết sâu sắc hơn về cuộc đời và những trải nghiệm của mình...
Trong câu chuyện, đôi lúc ông ướm thử tôi. Ví như có lần ông nhắc đến việc Tướng Loan cầm súng bắn vào đầu một “Việt Cộng” hồi Mậu Thân. Bức ảnh đã làm cả thế giới xúc động về sự tàn bạo của chiến tranh, đã làm cho người dân Mỹ bàng hoàng nhận thức về cuộc chiến tranh và vị thế của nước Mỹ tiến hành như đồng minh của kẻ có hành vi tàn bạo như vậy. Ông Kỳ nói rằng, trong cuộc sống bình thường, ông Loan không phải là người như thế và về cuối đời ông ta đã phải trả giá rất đắt bằng cả sự đối xử của nhiều người và bằng cả cách tự xử của chính mình v.v... Ông muốn nói rằng ký ức của những người cùng thời được trao truyền, tựa như cả bia đá lẫn bia miệng sẽ làm cho lịch sử trở nên khắt khe hơn cả những gì mà khi hành xử mỗi người nghĩ tới.
Có một lần, tôi đưa cho ông xem một cuốn sách của phương Tây mô tả cả hình ảnh và lời dẫn giải cái thời điểm Mỹ phát động chiến tranh phá hoại đánh ra miền Bắc và tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ có những tuyên bố rất mạnh mẽ muốn góp phần vào cuộc không kích ấy. Ông Kỳ trả lời tôi bằng một nụ cười và một câu nói lẫn trong tiếng thở dài : “Đấy là một thời trai trẻ...một thời cao vọng...một thời mơ mộng...một thời nặng lòng xác tín... để rồi...”  . Rồi trở lại một giọng nói bình thường có phần sôi nổi, ông bảo : “Cho nên sẽ là bi kịch cho những chính khách không có tuổi già để chiêm nghiệm những cái đã qua”.
Ông Nguyễn Cao Kỳ không nói ra, nhưng tôi hiểu những gì ông hành xử kể từ khi quyết định trở về nước là cách thể hiện sự chiêm nghiệm của ông. Ông đã vượt qua mọi thành kiến, những mặc cảm thông thường và cả những cản lực trong cộng đồng, trong đó có cộng đồng có hoàn cảnh gần gũi với ông để khẳng định một nỗi niềm: “lá rụng về cội”. Có lần ông thắc mắc rằng cái khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết” ra đời cùng với cuộc cách mạng của người cộng sản, hồi Cách mạng 1945 mới thành công  thấy hay sử dụng câu khẩu hiệu này lắm, tại sao nay không thấy dùng nữa ?
Cách đây đã lâu, khi ông Nguyễn Văn Thiệu qua đời, được một cơ quan truyền thông nước ngoài phỏng vấn tôi chỉ nói rằng : “Nghĩa tử là nghĩa tận. Vào thời điểm này nếu không nói được điều gì tốt đẹp thì chỉ nên dành sự im lặng cho người vừa nằm xuống”. Và mới đây được đọc cuốn sách “Tâm tư Tổng thống Thiệu”(Nguyễn Tiến Hưng - Tâm Tư Tổng thống Thiệu. Cơ sở xuất bản Hứa Chấn Minh. USA. 2010) mới biết, kể từ khi rời nước lưu vong ở nước ngoài nhưng không phải ở Mỹ, ông Thiệu đã chấp nhận “sống trong cay đắng” suốt 26 năm mà chỉ một lần duy nhất (1979) xuất hiện trả lời phỏng vấn (tờ “Tấm Gương” của Cộng hòa Liên Bang Đức) để trút nỗi căm hận về sự bỏ cuộc của Mỹ và sự tráo trở của cố vấn H.Kissinger trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến...
Thế mới càng thấy ông Nguyễn Cao Kỳ là người biết sống. Nay ông vừa nằm xuống. Tôi viết những lời này như một lời chào tiễn ông. Chưa rõ gia đình ông sẽ thu xếp phần thể xác của ông sẽ nằm nơi nào ? Nhưng chắc chắn rằng phần hồn của ông sẽ về với xứ Đoài vốn hay sinh ra những người có tính cách khác thường trong lịch sử. 
                                                                                     
Dương Trung Quốc
7.2011

No comments:

Post a Comment