Saturday, July 30, 2011

Tướng Kỳ - Một cuộc đời nhiều khen chê

Tướng Kỳ - Một cuộc đời nhiều khen chê

Bùi Văn Phú
Gửi cho BBC từ California
Cập nhật: 08:49 GMT - thứ bảy, 30 tháng 7, 2011
Lễ tang ở Kuala Lumpur
Lễ tang ông Nguyễn Cao Kỳ ở Kuala Lumpur ngày 29/07/2011
Người gây chú ý qua hành động và phát biểu liên quan đến Việt Nam trong gần nửa thế kỷ qua, cựu Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ qua đời hôm 23-7 tại Kuala Lumpur đã khép lại một cuộc đời sôi nổi với nhiều khen chê.
Thời làm Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương từ 1965 đến 1967, chức vụ tương đương với thủ tướng trong chế độ đại nghị, tướng Kỳ cho xử bắn một thương gia gốc Hoa vì đầu cơ tích trữ gạo. Ông còn đem súng ra hù doạ bắn bỏ nhiều người khác, dù đó là một linh mục công giáo, thượng tọa phật giáo, một tướng Thủy quân Lục chiến Mỹ hay một bộ trưởng.
Tính cao bồi, ngang tàng của tướng Kỳ gây chú ý cho giới truyền thông. Ông bay trực thăng thấp giữa Sài Gòn để lấy le với cô bồ là tiếp viên hàng không Đặng Tuyết Mai, sau này trở thành phu nhân và là mẹ của MC nổi tiếng Nguyễn Cao Kỳ Duyên. Mang hàm tướng và là một chính khách nhưng cách ứng xử trực tính của ông nhiều khi tưởng chỉ là chuyện bàn vui nơi hàng quán, nhưng là những sự thực được chính ông kể lại trong hai tác phẩm: Twenty Years and Twenty Days – 20 năm và 20 ngày [Nxb Stein and Day 1976] và Buddha’s Child: My Fight to Save Vietnam – Con cầu tự: cuộc chiến đấu để cứu Việt Nam của tôi – viết chung với Marvin J. Wolf [Nxb St. Martin 2002].
Với nhiều người lính Việt Nam Cộng hoà, đặc biệt là không quân, tướng Kỳ được quý mến vì trực tính, trong sạch và đối xử tốt với thuộc cấp. Với các cố vấn Mỹ đến giúp miền Nam, ông chứng tỏ mình không phải là một người dễ bảo và việc Mỹ ảnh hưởng sâu vào nội bộ chính trị miền Nam làm ông bực mình không ít. Tinh thần tự chủ, độc lập của ông thể hiện qua cách đối đáp với tướng Lewis W. Walt, Đại sứ Maxwell Taylor, với nhà ngoại giao Averell W. Harriman, hay Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara, các Thượng nghị sĩ William J. Fulbright, George McGovern. Phản ứng của ông nhiều khi thiếu phong cách ngoại giao, tạo xì căng đan.
Đối với người Việt tị nạn, phát biểu thiếu đắn đo của ông mà nhiều người còn nhớ là trong những ngày cuối của cuộc chiến, ông lên tiếng sỉ vả các tướng tá đã bỏ đi là hèn nhát, kêu gọi quân dân ở lại chiến đấu dù Sài Gòn có biến thành Stalingrad và khuyên mọi người đừng đi Mỹ vì ở đó không có nước chè, nước vối, không cà ghém mắm tôm, ăn bơ uống sữa chỉ đi tiêu chảy. Nhưng ngày hôm sau ông cũng lái trực thăng bay ra hạm đội Mỹ để được di tản qua Hoa Kỳ.
Tuy thế, đến Mỹ vẫn có người quý trọng vì ông là vị tướng đã sống trong trại tị nạn cùng đồng bào trong khi nhiều tướng khác phải vội vàng rời trại ngay vì những bất bình của đồng hương. Tướng Kỳ đến Camp Pendleton cũng ngủ lều, xếp hàng ăn cơm tị nạn chung với mọi người và còn có dự tính tìm nông trại để giúp định cư người Việt trong giai đoạn đầu.
Phát biểu từ lều tị nạn, tướng Kỳ mong có một ngày về: “Đối với chúng tôi, hy vọng duy nhất là trở về. Khi Hitler chiếm đóng châu Âu, những người như Tổng thống De Gaulle đã hy vọng ông có thể trở về - và ông đã trở về.”. Theo báo chí ghi nhận ông muốn làm tâm điểm của người đồng hương, nhưng không có kế hoạch thành lập chính phủ lưu vong. (Tuần báo TIME 19.5.1975)
Sau tháng 4-1975 nhiều tổ chức kháng chiến phục quốc ra đời trong nước và có nhắc đến tướng Nguyễn Cao Kỳ là người đứng sau yểm trợ, dù ông đang sống ở Mỹ. Những người vượt biển cho biết vào giai đoạn đó tên tuổi ông vẫn còn là một huyền thoại.
Thực tế tại hải ngoại, ông Kỳ mở tiệm bán rượu ở miền nam California một thời gian. Không thành công ông khai phá sản, rồi mua tàu đánh tôm cá để kinh doanh.
Năm 1992 khi Hoa Kỳ và Việt Nam bắt đầu từng bước tiến tới quan hệ song phương, trong một diễn văn đọc tại Câu lạc bộ Không quân và Hải quân Hoa Kỳ ở vùng San Jose, ông lên tiếng ủng hộ việc bỏ cấm vận và bang giao gây xôn xao và ông bị lên án là phản bội tổ quốc và đồng đội. Một số người biểu tình ném trứng thối, cà chua vào hình nộm tướng Kỳ.
Ông Nguyễn Cao Kỳ
Ông Nguyễn Cao Kỳ ở Hà Nội năm 2004
Dịp đó tôi với ông đã tranh luận trong một chương trình do đài truyền hình Việt Nam Tự do ở San Jose tổ chức. Nhận định của ông Kỳ là “bang giao càng sớm thì chế độ cộng sản càng mau sụp đổ” và ông tin: “cải cách kinh tế sẽ kéo theo cải tổ chính trị.”. Còn tôi cho rằng Hoa Kỳ muốn một Đông dương ổn định thì chỉ bang giao khi vấn đề hoà bình Campuchia, hồ sơ POW-MIA được giải quyết và điều kiện dân chủ, nhân quyền của dân Việt được đặt ra trong quan hệ hai nước. Tôi không tin chỉ kinh tế không thôi sẽ đưa đến cải cách chính trị trong chế độ cộng sản với tham nhũng lan tràn như ở Việt Nam. Ông muốn dạy cho lãnh đạo Hà Nội cách chống tham nhũng.
Đến năm 2004 tướng Kỳ mới trở về sau 30 năm xa cách. Chuyến đi được ông và Hà Nội đánh giá là tiến trình hoà giải quốc-cộng lên đến đỉnh điểm, trong khi nhiều người Việt hải ngoại phản đối những lời ca ngợi lãnh đạo và chính sách của Hà Nội.
Đầu năm 2005, báo Thanh Niên Xuân Ất Dậu có bài phỏng vấn ông với những phát biểu:

“Trong số những vị cùng vai với tôi (các tướng Việt Nam Cộng hoà), cứ mười ông thì đến mười một ông tham sống sợ chết! Trong khi đó, miền Bắc có trang bị quân số, vũ khí không kém gì, nhưng các ông chỉ huy lại có rất nhiều kinh nghiệm chiến trường, được cấp dưới tin cậy và kính trọng về nhân cách, đó là sự hơn hẳn.”


Sự việc này khiến nhiều người Việt hải ngoại xôn xao phản đối dữ dội. Ông Kỳ lúc đó đã lên tiếng tuyên bố truyền thông trong nước xuyên tạc. Trả lời đài RFA ngày 25-1-2005, ông nói: “Phải nói rằng chẳng có cái gì trung thực cả, tôi mới được biết chuyện đó và tôi có viết bức thơ cho ban biên tập báo Thanh Niên, tôi nói anh nào viết bài đó thứ nhất là ấu trĩ, chẳng biết gì cả rồi cắt xén, viết lách lăng nhăng, hoàn toàn những chuyện gây ngộ nhận và láo lếu.”
"Nguyễn Cao Kỳ, cái tên theo ông giải thích trong sách là mang ý nghĩa của một tay chơi cờ cao. Nhưng trong canh bạc chính trị ông đã hai lần thua vào năm 1967 và 1971. Gần cuối đời, ông trở lại quê nhà đánh một canh bạc xả láng và cũng không thắng."
Báo Thanh Niên không trả lời thư ông và cũng không đính chính những gì đã đăng.
Sau chuyến trở về đầu tiên, ông Kỳ làm tư vấn cho công ty Mỹ xây dựng sân golf tại Việt Nam với dự án mấy trăm triệu Mỹ kim. Ông muốn sống cuộc đời còn lại với quê hương. Từ đó thỉnh thoảng trở lại Hoa Kỳ, nhưng ông không còn xuất hiện trước đám đông.
Hai tháng trước có tin ông về lại Hoa Kỳ vì thế sự kiện Tướng Kỳ chết trong một bệnh viện ở Kuala Lumpur, Malaysia làm nhiều người ngạc nhiên.
Nguyễn Cao Kỳ, cái tên theo ông giải thích trong sách là mang ý nghĩa của một tay chơi cờ cao. Nhưng trong canh bạc chính trị ông đã hai lần thua vào năm 1967 và 1971. Gần cuối đời, ông trở lại quê nhà đánh một canh bạc xả láng và cũng không thắng.
Tướng Nguyễn Cao Kỳ đã về cõi Phật sau 81 năm sống ở dương trần.
Đời ông nhiều sóng gió lúc sinh thời. Nay chết, chuyện hậu sự cũng tạo dư luận vì đến giờ ít ai biết được ước nguyện cuối cùng của một cựu thiếu tướng, thủ tướng và phó tổng thống Việt Nam Cộng hoà là những gì.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Bùi Văn Phú, hiện dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do sống ở vùng Vịnh San Francisco, California.

No comments:

Post a Comment