Sunday, July 24, 2011

Chuyện gì sẽ đến nếu Trung Cộng “mua lại” Châu Âu ?

Chuyện gì sẽ đến nếu Trung Cộng
“mua lại” Châu Âu ?
 
Lê Phước
Courrier International : Đang lặn hụp trong cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng, Châu Âu trải thảm đỏ chào đón Trung Cộng. Nước này tiến hành mua lại nợ công, công ty, đất nông nghiệp, và ưu tiên ở những nước vành đai Châu Âu. Chính sách đang thuận buồm xuôi gió trong khi Liên Hiệp Châu Âu thiếu một chiến lược đối phó chung.
Sự “xâm nhập” của Trung Cộng vào nền kinh tế Châu Âu có ba hình thức: 1) Đầu tư từ nhà nước Trung Cộng thông qua CIC (China Investment Corporation) và Cục quản lý ngoại hối quốc gia Trung Cộng (Safe); 2) Đầu tư từ các tập đoàn, 3) Đầu tư bởi các cá nhân người giàu có.
Loại hình đầu tư thứ nhất nằm trong chính sách đa dạng hóa kho dự trữ ngoại tệ của Trung Cộng hiện tại chủ yếu bằng đô la Mỹ, và đồng euro là một lựa chọn tối ưu. Theo một chuyên gia, Trung Cộng đã mua lại trái phiếu nợ của các nước lâm khủng hoảng ở Châu Âu cũng bằng với Ngân hàng Trung ương Châu Âu.
Đầu tư của các cá nhân đến từ Trung Cộng thì mới gần đây. Theo thống kê, các cá nhân Trung Cộng gửi tiền tiết kiệm khoảng 6 700 tỷ euro, trong đó 600 000 người sở hữu hơn 1 triệu euro. Nhiều nhà giàu nước này muốn đầu tư tài sản của mình ở ngoại quốc. Từ năm 2009, tỷ lệ đầu tư ở nước ngoài của họ đã tăng từ 10% lên 20%.
Ở Châu Âu, họ quan tâm nhiều nhất đến lĩnh vực bất động sản và ưu tiên cho Luân Đôn , trước tiên là do thuế khóa dễ dãi, do nguyên nhân tiền tệ và cũng do họ muốn cho con em đến đó du học. Ngoài ra, nhà giàu Trung Cộng cũng đầu tư cho nhà hàng, khách sạn.
Loại hình đầu tư thứ ba và cũng là loại chính của Trung Cộng là các doanh nghiệp. Hiện tại, họ tập trung chủ yếu ở Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh, để tìm nguồn năng lượng và tài nguyên thiên nhiên. Châu Âu chủ yếu là đầu ra của sản phẩm Trung Cộng. Châu Âu hiện tại chỉ chiếm 3,5% nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Cộng.
Thế nhưng, số liệu không nói lên tầm ảnh hưởng thật sự của Trung Quốc. Một chuyên gia nghiên cứu về nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc tại Châu Âu xác nhận, các vụ sáp nhập và mua lại của các doanh nghiệp Trung Cộng tại Châu Âu diễn ra liên tiếp trong thời khủng hoảng. Nhiều cuộc đàm phán cũng đang diễn ra về việc các tập đoàn Trung Cộng nhận điều hành những dự án năng lượng và hạ tầng ở đông Âu. Các ngân hàng Châu Âu thì liên tiếp đề suất giao dịch với các tập đoàn Trung Cộng, một sự việc mà cách đây 5 năm không hề có.
Những đầu tư này có nhiều nguyên nhân. Trước tiên, các ngân hàng Trung Cộng muốn phục vụ cho các tập đoàn của nước mình hoạt động ở nước ngoài, kế đến là cho các công ty Châu Âu tìm ngân hàng để hoạt động ở Trung Cộng. Mặt khác, Trung Cộng cũng tiếp cận được với công nghệ mũi nhọn và hưởng được uy tín sẵn có của các tập đoàn Châu Âu. Như việc mua lại Volvo cho phép cạnh tranh cạnh tranh với các nhãn hiệu uy tín của các hãng sản xuất ô tô Châu Âu tại Trung Cộng. Còn trong lĩnh vực công nghệ, Trung Cộng nhắm vào Đức, nhất là trong lĩnh vực công nghệ xanh.
Tại Hy Lạp, thì 11 thỏa thuận đã được doanh nghiệp hai nước ký kết, nhất là trong lĩnh vực hàng hải, bất động sản, thương mại, văn hóa và du lịch. Sự xâm nhập vào Hy Lạp bắt đầu từ năm 2008, khi hãng tàu Trung Cộng đã mua lại một trạm đến ở cảng Pirée với giá 35 triệu euro. Mới đây tập đoàn này lại giành quyền điều hành cảng thương mại ở Pirée.
Hy Lạp có vị trí quan trọng : là điểm liên kết quan trọng giữa phương Tây và phương Đông, và cũng là cửa ngõ vào Châu Âu. Cảng Pirée có thể trở thành giao lộ giữa Châu Phi, Châu Á và Châu Âu. Bởi thế đầu tư của Trung Cộng tại nước này còn liên quan đến lĩnh vực đường sắt, giao thông, sắp tới có thể còn cả nghiên cứu, giáo dục, công nghệ…
Còn tại Bulgaria, thì các doanh nghiệp Trung Cộng có thể sẽ đầu tư đến 51 triệu euro để khai thác vùng đất nông nghiệp miền Tây Bắc nước này. Quyết định nói trên là kết quả của cuộc hội kiến hồi tháng 5 rồi giữa thủ tướng Bulgaria và đoàn doanh nghiệp Trung Cộng.
Vụ giao dịch này có lợi cho cả hai phía. Bulgaria là nước đang khuyến khích đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, trong khi đó, Trung Cộng muốn khai thác vùng này để có thể tự cung tự cấp sản phẩm cần thiết trong ngành chăn nuôi nhằm thóat khỏi hiện tượng bị lệ thuộc mặt hàng này vào Mỹ.
Bắc Kinh đến Châu Âu để tìm lợi ích
Courrier International cũng dẫn lại bài của một tờ nhật báo tại Quảng Châu thể hiện quan điểm của Trung Quốc, theo đó Bắc Kinh không ngại tuyên bố việc tìm đến Châu Âu không phải với tư cách anh hùng cứu nguy, mà để tìm lợi ích. Liên Hiệp Châu Âu hiện tại là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Cộng. Bởi thế, sự ổn định của nền kinh tế Châu Âu sẽ tốt cho hoạt động xuất khẩu của Trung Cộng và ích lợi cho sự tăng trưởng kinh tế của nước này. Bắc kinh cũng thừa nhận việc đầu tư bằng đồng euro sẽ giúp Trung Cộng đa dạng kho dự trữ ngoại tệ của mình.
Bên cạnh đó, Trung Cộng hy vọng Châu Âu sẽ dễ dãi hơn trong việc xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao, xóa lệnh cấm vận vũ khí hiện hành do Châu Âu áp đặt từ sau vụ thảm sát Thiên An Môn 1989, và thừa nhận nền kinh tế thị trường của Trung Cộng….
Trong lĩnh vực chính trị và quốc phòng, xưa nay Bắc Kinh không hợp tác với nước khác. Việc đưa đến gần 36 000 lao động đã cần đến sự giúp đỡ kỹ thuật của nhiều nước. Vì thế, Trung Cộng thấy cần có sự hợp tác như vậy, không phải để chống nước khác, mà để giải quyết các tình huống bất ngờ.
Lí luận cho “duyên số” giữa Trung Cộng và Châu Âu, tờ báo tập trung vào góc nhìn chính trị. Theo tờ báo, trên diễn đàn quốc tế, có ba lực lượng chính đại diện cho ba nền chính trị khác nhau : Châu Âu, Trung Cộng và Mỹ. Tại các nước Châu Âu, xã hội hài hòa, người dân sống thoải mái, nhưng khả năng hành động của nhà nước bị hạn chế, trong khi đó tại Trung Cộng, nhà nước mạnh mà xã hội yếu giống như anh khổng lồ có đôi chân bằng đất sét. Còn Mỹ thì khá hài hòa giữa xã hội và nhà nước. Từ đó, Châu Âu và Trung Cộng sẽ có thể bổ sung cho nhau, chứ không giống như Mỹ đặt hết điều kiện này đến điều kiện khác.
Như vậy giúp Châu Âu vượt cạn cũng là cách Trung Cộng tìm lợi cho mình.
Đa phần người Châu Âu phản cảm với Trung Cộng
Trong chuyến công du Châu Âu vừa rồi, thủ tưởng Ôn Gia Bảo đã chấp nhận cho Hungary khoảng tín dụng 1 tỷ euro và nhiều đầu tư giá trị khác. Thủ tướng nước chủ nhà đã ca ngợi Trung Cộng hết lời, và lên tiếng phản đối những người Tây Tạng. Báo chí Hungary chạy tựa mỉa mai “Hạ mình vì một tỷ euro”. Tờ báo cho rằng, có thể thủ tướng Hungary vì lợi ích dân tộc mà ca ngợi Trung Cộng, nhưng cũng không nên gây mất lòng người Tây Tạng như vây.
Còn tờ báo El Pais Tây Ban Nha thì tập trung vào việc sự chia rẽ của Châu Âu. Tờ báo cho rằng, trước tham vọng bành trướng của Trung Cộng, Liên Hiệp Châu Âu thiếu một sách lược đối phó chung.
Theo thống kê báo chí năm 2011 hiện tượng lớn mạnh của nền kinh tế Trung Cộng là một quan ngại: Tại Ý, Canada, Pháp, Đức, Anh hơn 50% người có quan điểm này, tại Mỹ cũng xấp xỉ 55%, tại Nam Hàn gần 50% và tại Nhật Bản là 30%.
Chân dung « một võ sĩ đạo » Samurai Nhật Bản thời hiện đại
Đến với Nhật Bản thời hậu thảm họa hạt nhân, tuần san L’Express giới thiệu chân dung một thị trưởng trong vùng Fukushima, nhân vật mà tạp chí này ca ngợi hết lời với hàng tựa : « Samourai của thành phố Minami –Soma ».
Nhân vật mà L’Express đề cập là ông Katsunobu Sakurai, thị trưởng thành phố duyên hải Minami-Soma, trong khu vực thảm họa Fukushima. Địa phương này vốn có đến 71 000 nhân khẩu, thảm họa đã làm mất tích đến 700 người. Sau thảm họa chỉ có 10 000 người bám trụ lại.
Trong bối cảnh điêu tàn đó, ông thị trưởng Katsunobu không hề nản chí mà vẫn nuôi hy vọng và quyết tâm xây dựng lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Vài ngày sau thảm họa, ông đã cho đăng trên You Tube một đoạn video, trong đó ông là nhân vật chính : ông ngồi trong một quang cảnh điêu tàn, trong chiếc áo khoác công nhân, tay hướng về phía máy quay như để kêu cứu với người xem. Ông kể lại sự bất hạnh của thành phố này, cảm giác bị cô lập của một cộng đồng dân cư bị thảm họa tàn phá, lo ngại cho tương lai của nhà máy Fukushima cách đó chừng hơn 20 km, đặc biệt ông lên án hiện tượng chính phủ và công ty Tepco cung cấp rất ít thống tin về thảm họa. Ông chua xót thốt lên « Chúng tôi cảm thấy đang bị bỏ rơi ! ». Ông cũng phản ánh về những khó khăn trong việc chăm lo cho khoảng 10 000 dân bám trụ thành phố bất chấp thảm họa hạt nhân.
Ông Katsunobu sinh năm 1956, sinh ra và lớn lên ở thành phố này. Ông cho biết, đã có từ 15 đến 20 thế hệ nhà Sakurai sống ở đây. Ông nuối tiếc những nơi kỷ niệm mà hiện tại đã bị sóng thần cuốn đi. Ông là một nhà đấu tranh xã hội theo đường lối ôn hòa. Ông từng tham gia đấu tranh nhiều vụ và đến hiện tại, ông đang lao vào một trận đấu gay go, đó là « Trả lại cho thành phố một tương lai mà nó vừa bị cướp mất ».
Theo L’Express, tình hình hiện tại có vẻ u ám. Một phần thành phố là vùng cấm nằm trong vành đai an toàn của nhà máy hạt nhân Fukushima. Kinh tế của thành phố này chủ yếu dựa vào nông nghiệp, công nghiệp gia công và du lịch. Thế nhưng, tất cả đã tan tành.
Nói về du lịch, mỗi năm có đến 1,5 triệu luợt người đến tham quan thành phố Minami-Soma, trong đó 210 000 đến vào dịp lễ Săn ngựa hoang (Nomaoi), một lễ hội nổi tiếng của thành phố này. Ông Katsunobu đã kiên quyết tổ chức lễ Nomaoi vì theo ông : « Đó là một truyền thống lâu đời, nó sẽ hun đúc thêm tinh thần tái thiết ».
Bên cạnh khó khăn kinh tế, thành phố còn đối mặt với một thách thức khác : hiện tượng vắng bóng thanh thiếu niên. Đến hiện tại, thành phố chỉ còn có 40 000 người (so với 71 000 trước thảm họa). Có nhiều trẻ em và thanh thiếu niên chưa dám trở về .
Ông Katsunobu ngậm ngùi: «Nếu đám trẻ không trở về, thì vùng này sẽ khó khăn ”. Thế nhưng, thực tế cay nghiệt đó vẫn không thể ngăn nổi ông thị trưởng tiếp tục bám trụ địa bàn, sẵn sàng đối mặt thử thách, với quyết tâm cao độ, như lời ông tự tin tuyên bố « Chúng tôi sẽ xây dựng lại thành phố nhanh hơn cả Hiroshima ».
L’Express cho biết, You Tube nói trên của ông đã được hàng trăm ngàn lượt xem và tạo được tiếng vang lớn, đến mức mà tạp chí Times của Hoa Kỳ đã xếp ông vào danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất hành tinh.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tiếp tục chia rẽ về hồ sơ Syria
Đến với tình hình chính trị tại Syria, Le Nouvel Observateur có bài nhận định « Liên Hiệp Quốc : Hội đồng bảo an đang bị kẹt », phản ánh về việc đến hiện tại, nghị quyết trừng phạt chế độ Assad vẫn chưa được thông qua.
Ngày 25/5, Pháp, Anh, Đức và Bồ Đào Nha đã cùng đệ trình dự thảo nghị quyết lên án hiện tượng đàn áp tại Syria. Thế nhưng, có lẽ dự thảo này sẽ còn nằm lâu trong ngăn tủ của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc.
Sau khi đại sứ quán của Pháp và Mỹ bị tấn công tại Syria, vị chủ tịch đương nhiệm của Hội đồng bảo an đã lên án gay gắt những kẻ tấn công, nhưng sau đó, Hội đồng bảo an đã thông báo với các nhà ngoại giao rằng, dù hiện tượng đàn áp vẫn tiếp diễn, nhưng dự thảo nghị quyết khó được thông qua.
Chướng ngại đầu tiên đến từ Matxcơva (đồng minh lâu năm của Damas) và Bắc Kinh. Cả Nga và Trung Quốc đều xem nghị quyết là một sự « can thiệp » vào công việc nội bộ của Syria và sẽ kéo theo nội chiến ở nước này. Hai nước cũng cho biết họ không chấp nhận vì đã rút được kinh nghiệm từ nghị quyết 1973 về Libya, ở đó các nước tham chiến đã đi lệch hướng nghị quyết này. Theo Le Nouvel Observateur, thật ra, Trung Quốc và Nga sợ rằng một nghị quyết can thiệp kiểu đó sẽ làm tiền lệ để các nước khác sau này có cớ can thiệp vào vùng Tây Tạng hay vùng Caucase.
Nhiều nước trong 10 ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an cũng đánh tiếng cho biết sẽ không ủng hộ dự thảo nghị quyết trên. Liban, nước đã ủng hộ nghị quyết 1973 hồi tháng ba, đã thông báo phản đối dự thảo về Syria do hiện tại chính phủ nước này do nhóm Hồi giáo Hezbollah hỗ trợ, mà Hezbollah lại là đồng minh của Damas. Hai nước vắng mặt khi thông qua nghị quyết 1973 là Ấn Độ và Brazil, rồi cả Nam Phi cũng viện lý do làm sai lệch nghị quyết 1973 tại Libya của Pháp và Anh cùng các đồng minh, để phản đối dự thảo về Syria.
Trong tình hình đó, Anh, Pháp và Mỹ chỉ còn biết « đánh võ mồm » với chính quyền Damas. 
2011, năm tang thương của quân đội Pháp tai Afghanistan
Theo chân Mỹ, tổng thống Pháp cũng đã thông báo sẽ rút hết quân Pháp khỏi Afghanistan lần lượt đến cuối năm 2014. Trong tình hình đó, con số tử vong của lính Pháp trên chiến trường này không ngừng tăng lên trong mấy ngày qua. Đến nỗi mà tuần san Le Nouvel Observateur nhận định : « Một cuộc rút quân đẫm máu ».
Trước ngày quốc khánh Pháp, 14/7/2011, có 5 quân nhân Pháp bị xát hại trong một vụ tấn công tự sát ở vùng Kapisa –Afghanistan. Ngay hôm quốc khánh lại có thêm 01 lính Pháp nữa thiệt mạng, nâng số quân nhân Pháp gửi thây lại chiến trường này lên 70 người sau 10 năm tham chiến.
Theo lịch trình, Pháp sẽ cho rút ¼ lính từ đây đến cuối năm 2012, và sẽ hoàn tất vào cuối năm 2014. Trong khi đó, đảng Xã Hội, đảng đối lập lớn nhất tại Pháp, kêu gọi nên rút một lượt quân đội Pháp về nước không cần rãi rác đến năm 2014.
Năm 2011 là năm chết chốc nhiều nhất đối với quân đội Pháp kể từ khi tham chiến tại Afghanistan : từ hơn sáu tháng nay, đã có thêm 17 chiến binh Pháp tử trận. Phần lớn bị chết do rơi vào phục kích bằng bom tự chế hay trong các lần chạm súng ở vùng thung lũng phía đông Afghanistan, gần biên giới Pakistan. Đây là một vùng núi non hiểm trở, hiện tại vẫn là pháo đài của quân đội Taliban dù phía Pháp đã tăng cường sự hiện diện trên thực địa.
Theo Le Nouvel Observateur, mục tiêu của bộ Quốc phòng Pháp là muốn « ghi điểm » trước khi lực luợng quốc tế rút khỏi Afghanistan. Paris đang dần chuyển giao nhiệm vụ bảo an cho nhà chức trách địa phương ở huyện Surobi phía đông Kabul, để tập trung vào vùng Kapisa ở phía Bắc.
Tờ báo kết luận : Số lính tử vong ngày càng nhiều, bộ tổng tham mưu quân đội Pháp cố bằng mọi giá tránh việc mọi người có cảm giác quân đội nước này phải rút đi trong hỗn loạn dưới sức ép của quân Taliban.
Tảo xâm thực bờ biển phía đông Trung Cộng
Cuối cùng chúng ta đến với tình trạng « thủy triều xanh » tại Trung Cộng. Thông tin này được đăng trên trang Tin thời sự qua ảnh của tuần san Le Monde và Le Figaro.
Hai tờ báo cho biết, hiện tượng tảo xâm thực đang rất nghiêm trọng ở bờ biển phía đông Trung Cộng, nhất là ở tỉnh Sơn Đông. Do rác thải công nghiệp và nông nghiệp ngày càng nhiều cộng với nhiệt độ bờ biển cao, nên tảo sinh trưởng nhanh. Hiện tại, đã trải rộng đến 130 cây số vuông.
Các loại tảo này không độc hại. Nhưng với lượng khổng lồ như thế nó sẽ hút nhiều Ôxy và gây nguy hại cho hệ sinh thái biển.
Le Monde và Le Figaro cùng đăng tải hình ảnh dưới đây để phản ánh vụ việc :

Hình ảnh tảo xâm thực tại Sơn Đông
Reuters

No comments:

Post a Comment