MỚI NGÀY NÀO… TƯỚNG KỲ.
Trương hữu Lương
Tôi còn nhớ mãi ngày đó, cách đây thấm thoắt đã gần 50 năm rồi,cuối năm 1964, tôi đang phục vụ tại Sứ quán Việt-nam tại Tunisie , được lệnh Ngoại trưởng Trần văn Đỗ gọi về Saigon tham dự Hội nghị các Trưởng Nhiệm Sở Ngoại giao VNCH để nhận chỉ thị của Tân Chánh phủ dân sự do các ông Phan khắc Sửu (Quốc trưởng) và Phan huy Quát (Thủ tướng ) lãnh đạo và thảo luận cùng các giới chức liên hệ về chính sách đối ngoại của Việt-nam sau những biến chuyển dồn dập từ ngày đảo chính Tổng thống Ngô đình Diệm.
Một buổi chiều, đuợc mời vào Dinh Thủ tướng tiếp tân đón mừng các Trưởng Nhiệm sở Ngoại giao. Tôi điện thoại cho anh bạn Lê xuân Khoa lúc đó đang làm Đổng lý Văn phòng cho Bác sĩ Nguyễn tiến Hỷ, Tổng trưởng Giáo dục trong Nội các Phan huy Quát và được anh Khoa cho biết cũng đang sắp đi dự tiếp tân.
Tôi đến Khoa và hai anh em cùng tới Dinh Thủ tướng ở Bến Bạch Đằng.
Tại đây quan khách đã tấp nập và đặc biệt là có một đám rất đông đứng vây quanh một nhân vật mà tôi nhìn xa, không thấy rõ. Tôi hỏi Khoa chuyện gì mà thiên hạ huyên náo vậy thì anh Khoa trả lời : Trời, toi không biết à ? Ngôi sao đang lên đấy, cha Kỳ chứ ai ? Thôi tụi mình đứng xa ra…
Hoá ra nhân vật đang được mọi người xúm quanh là Thiếu tướng Không quân Nguyễn cao Kỳ, người hùng của chế độ , tuy chưa nắm chính quyền vì chỉ mới còn là Tư lệnh Không Quân thôi, nhưng vì vai trò chủ chốt cuả ông trong các vụ đảo chánh, phản đảo chánh nẻn danh tiếng của ông nổi như cồn và đã thu hút được nhiều người vì mến phục ông cũng có nhưng có lẽ cũng nhiều người thấy sang thì bắt quàng làm họ hoặc cũng muốn chờ đợi ở ông một danh lợi gì vì họ tiên đoán ở ông một tương lai còn rực rỡ hơn nhiều.
Theo tôi , lúc đó có lẽ là thời điểm uy tín cuả ông Kỳ lên cao nhất. Lúc dó ông chí có những ưu điểm cuả một vị Tướng đã làm ổn định đươc tình thế mà chưa mắc phải những khuyết điểm, những sai lầm không thể nào tránh khỏi của những người đã nắm quyền.
Cũng như anh bạn Khoa tôi cũng không muốn mang tiếng là người thích phù thịnh nên đã không lại chúc mừng, chào hỏi vị Tướng hào hoa phong nhã mặc dầu trước đó cũng đã có ít nhiều liên hệ với ông Kỳ.
Những ngày thơ ấu ở Trường Chu văn An phố hàng Cót vào năm 1947 khi vừa tản cư về tôi đã có dịp gặp Kỳ tuy anh ít tuổi hơn tôi và học dưới tôi hai lớp nhưng ví anh lại là bạn thân của mấy người anh họ tôi. Hơn nữa Kỳ cũng đã nổi tiếng từ hồi ấy vì tính tình hay nghịch ngợm của anh và hơn nữa lại là danh thủ môn đá banh của Trường cùng với các anh Nguyễn xuân Bân (thứ nam cụ Nguyễn xuân Chữ)trên tôi môt lớp từng được mệnh danh là « Gôn Bân » vì anh cao lớn, to con bắt banh rất giỏi cùng lớp với các anh Nguyễn triệu Hồng, Vương văn Đông, Nguyễn phúc Quế…hay Phó quốc Huy cùng lớp với tôi vừa là danh thủ bóng bàn vừa giỏi cả đá banh và là anh ruột của Phó quốc Trụ, một lớp với Kỳ và sau này đã tham gia đảo chánh cùng với các anh Đông, Hồng và trong vụ Tết Mậu Thân đã chết thê thảm vì Mỹ bắn nhẩm hoả tiễn ( ?)
Năm 1952 tôi đã là hướng dẫn viên cho Kỳ thăm viếng khu La-tinh khi Kỳ và người anh họ tôi cùng vối Phan phụng Tiên (sau đã giữ nhiều chức vụ quan trọng khi Kỳ làm Thủ tướng) ghé Paris trên đường đi Marrakech theo học lớp Sĩ quan Không quân.Đặc biệt đêm hôm 14 Juillet chúng tôi đã cùng tham dự buổi dạ vũ ngoài trời trước cửa trường Đại học Sorbonne.
Khi làm việc cho Toà Đại sứ tại Bangkok tôi gặp lại Kỳ trong một bữa tiệc do ông Đại sứ Lê văn An khoản đãi. Lúc này Kỳ đã mang cấp bậc Thiếu tá và là Chỉ huy trưởng phi đoàn vận tải nên thường đi mấy quốc gia lân cận công tác. Kỳ tính tình vui vẻ, hay nói chuyện bông đùa ngay cả trước mặt ông Lê văn An, một người lớn tuổi, nghiêm nghị. Ngồi cạnh tôi Kỳ noí oang oang : « trước anh chơi với các anh Đông, Hồng chứ đâu thèm chơi với tôi ».
Sau đó tôi không gặp lại Kỳ và trong suốt thời gian ông nắm chính quyền tôi không bao giờ tìm đến ông cho đến cách đây hai năm khi tôi về Saigon thăm gia đình tôi mới lại có dịp đi ăn với Tướng Kỳ vì lúc này Kỳ rất thân thiết với em vợ tôi.
Mặc dầu không cùng chính kiến với ông nhất là về vấn đề ông trồ về Việt nam hợp tác với chính quyền Cộng sản, tôi vẫn muốn gặp ông . Thứ nhất vì tôi không muốn mang tiếng là người sợ hãi đã liên lụy với những người đang thất thế và bị số đông chán ghèt .Thứ đến là tôi vẫn còn ít chút cảm tình với một người cùng thế hệ với mình và đã từng đảm đương trọng trách trong những năm tháng nước nhà dầu sôi lửa bỏng, một phi công đã nổi tiếng vì sự can đảm của mình trong những phi vụ ra Bắc,một nhà lãnh đạo trẻ có tâm huyết khi lên cầm quyền đã có những kế hoạch nhằm giúp đỡ giới bình dân, song song với công cuôc bài trừ tham nhũng, gian thương…Dĩ nhiên Kỳ cũng có rất nhiều khuyết điểm qua những hành động, những lời tuyên bố tùy hứng, vô trách nhiệm nhất là về những công tác đối ngoại mà Bộ Ngoại giao chúng tôi phải gánh mọi hậu quả . Tôi còn nhớ một lần khi ông đi công du vùng Cận Đông đã lên tiếng ca tụng Tướng Moshe Dayan của Israel là vị anh hùng và đã gây phản ứng dữ dội tại các nước Ả rập thù địch với Do Thái . Lúc đó tôi đang ở Tunisie , một quốc gia Ả rập ôn hoà , nhưng chính quyền vẫn cho tăng biện pháp an ninh cho Toà Đại sứ để đề phòng sự phẫn nộ cuả quần chúng.
Nghĩ cho cùng, con người có ai tránh được sai lầm, nhân vô thập toàn như cổ nhân đã dạy. Ngay cạnh chúng ta, nhân vật Sarkozy chẳng đã cò những lời tuyên bố « tùy hứng » hay sao ?
Tôi cũng đã rất hoan nghênh và còn hãnh diện về việc ông Kỳ được chỉ định vào chức vụ Thủ tướng vì ông là một người trẻ, lại cùng một thế hệ vối mình , và tôi thầm mong ông và é-kíp trẻ của ông sẻ có tác phong giản dị, bớt quan liêu, thủ cựu hơn các bậc đàn anh trước đây , một số là cựu công chức cao cấp hành chánh hoặc quan lại thời Pháp.
Tôi cũng muốn gặp lại Tướng Kỳ để tìm hiểu thêm lý do nào đã đưa đẩy ông trở về Việt nam để phải hứng chịu bao nhiêu lời nguyền rủa, oán hận cuả không những những người từ xưa vẫn chống đối ông mà ngay cả đến những người đã quý mến ông, những chiến hữu đã từng vào sinh ra tử với ông, chưa kể đến những người đã từng được ông ban phát bổng lộc nay cũng đã quay lưng chê bai ông, nhiều khi với những lời lẽ khiếm nhã đáng buồn.
Tôi thường vẫn có thành kiến về Kỳ là người thích ăn chơi, hưởng thụ nên có lẽ về nước vì những thú vui vật chất không phải vì lý do hoà giải, hoà hợp mà ông thường biện minh cho hành động của ông.
Nhưng khi tiếp xúc với ông và nghe lời cậu em nhà tôi thuật lại thì ông Kỳ bây giờ chẳng còn đam mê nào ngoài thú đi đánh golf và gặp gỡ, đàm đạo với một số rất ít bạn cũ.
Tôn trọng ý kiến của mỗi cá nhân và cũng vì không muốn làm mích lòng ông
tôi đã không hề có một lời phê phán hay chỉ trích nào về việc ông trở về Việt-nam trong khi chuyện trò với ông nhưng tôi cũng đã nói với ông một vài suy tư của tôi như sau :
- Tôi chắc rằng Thiếu tướng ( tôi kêu ông là Thiếu tướng vì tôi vẫn không quên ông đã từng lãnh đạo ngành Hành Pháp trong khi tôi chỉ là một viên chức thường, nhưng vì thấy Kỳ bình dị và thân thiện với tôi khi luôn luôn « toi » « moi » với tôi nên sau đó tôi cũng kêu Kỳ là anh hay ông) cũng biết là hình ảnh của ông tại hải ngoại rất xấu từ khi ông trở về V.N. Tôi nghĩ rằng nếu ông muốn thay đổi được tình trạng này thì tôi xin đề nghị ông như sau : trong các cuộc tiếp xúc của ông với giới hữu trách ở đây, ông nên đặt lại với họ về vấn đề Chính nghĩa. Ví sao ? vì hiện tại tôi thấy ở Việt nam hiện nay ảnh hưởng cuả Mỹ còn nhiều bằng trăm lần khi các ông cầm quyền, đi vào hang cùng ngõ hẻm nào cũng thấy các bảng quảng cáo tiếng Anh, vào các Quán café,Qúan rượu thấy các thanh niên đàm thoại toàn bằng Anh ngữ, những hiện tượng không thấy trước đây thời « Mỹ-Ngụy ».
Vậy những danh từ họ gán cho chúng ta là tay sai cuả Đế quốc Mỹ còn giá trị không ? Những khẩu hiệu Đánh Mỹ cứu nước,Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào, Ngụy nhào rồi nhưng sao bây giờ Mỹ lại vẫn còn phây phây ra đấy ? Vậy Chính nghĩa là cái gì ? Tại sao lại kêu chúng tôi là Ngụy ? Những khẩu hiện trên còn ý nghĩa gì nữa không ?
Ông Kỳ trả lới : Mình nói mình chính nghia, họ cũng nóí họ chính nghiã, như vậy cãi nhau đến bao giờ .
- Điểm thứ hai tôi cũng đã gợi ý với ông Kỳ là tôi đề nghị ông yêu cầu Hà nội phải lên tiếng xin lỗi các người quốc gia vì những sai lầm của họ trong những chính sách trả thù người bại trận,đầy đoạ hàng trăm ngàn người trong các trại tù mang danh « Cải tạo », bắt buộc bao nhiêu gia đình đi những vùng « Kinh tế mới », kỳ thị với những con cái những người bị đi « học tập cải tạo » không cho vào các Trường Đại học, bỏ tù những người đi vượt biên không thành công…
Nếu Cộng sản thực tình muốn hoà giải, hoà hợp vối ngưới quốc gia và kêu gọi những « khúc ruột ngàn dặm » về hợp tác thì việc làm tối thiểu đầu tiên là phải chứng tỏ thiện chí bằng một lời xin lỗi công khai.
Điểm này có vẻ làm ông Kỳ suy nghĩ và không thấy ông phát biểu gì.Nhưng sau đó khi gặp lại em tôi ông đã trách móc tôi cho là tôi ngây thơ, đòi hỏi những chuyện không tưởng. Thực ra tôi cũng không ngây thơ đến nỗi như ông Tướng nghĩ vì tôi cũng chẳng tin gì vào những lời tuyên truyền lừa bịp cúa Cộng sản, nhưng tôi vẫn nêu những ý kiến đó ra với mục đích là muốn gíúp ông Kỳ đi đến chỗ hàn gắn với cộng đồng hay ít nhất cũng với một số người còn ít nhiều thiện cảm với ông.
Tôi tưởng ông Kỳ đã giận tôi và sẽ không bao giờ gặp lại tôi nữa. Nhưng vài ngày sau ông điện thoại mời tôi đi ăn và trong buổi gặp gỡ này ông đã nêu ý kiến như sau : giữa những người Việt, chúng ta nên xóa bỏ các dị đồng và ngồi chung lại trước hiểm họa bành trướng của bọn Tàu. Moi muốn khi toi trở về Pháp tham khảo ý kiến một số bạn hữu, đặc biệt những luật gia, những nhà sử học tổ chức một cuộc hội thảo về vấn đề Hoàng sa, Trường sa, sau đó sẽ đua ra một kíến nghị xác nhận chủ quyền của mình.Moi sẵn sàng bay sang Paris hay bất cứ đâu tham dự với các anh em.Tôi trả lời sẽ cố gắng nhưng trong thâm tâm đã nghĩ là việc này khó thành vì tôi biết có rất nhiều người còn dị ứng với ông.
Khi về Pháp tôi có đề cập ngay vấn đề này với Giáo sư Vũ quốc Thúc một bậc đàn anh tôi thường có nhiều dịp tiếp xúc thì được Giáo sư cho biết là đã có cuộc hội thảo rổi và một kiền nghị đã được gửi tới Liên hiệp quốc nhưng không được đáp ứng vì lý do người đứng tên là ông Nguyễn bá Cẩn, nhân danh Cựu Thủ tướng Chánh phủ VNCH. Tôi cũng có bàn với một vài bạn khác nhưng đa số vẫn không muốn ngồi chung với ông Kỳ . Tôi có nhờ cậu em tôi ở Saigon tường trình với ông Kỳ và sau đó không thấy ông nhắc đến nữa.
Trên đây là ít nhiều kỷ niệm với ông Kỳ viết ra nhân ngày ông lìà bỏ cõi trần.Nhân dịp này nhiều nguồn dư luận lại được tung ra, kẻ khen cũng có nhưng người chê cũng nhiều. Riêng tôi thì tôi không trách gì ông Kỳ vì nghĩ là việc làm cuả ông nếu ông cho là đúng thì là quyền cuả ông vả lại ông cũng sẵn sàng chấp nhận mọi hậu quả do hành động cuả ông gây ra.
Tôi chỉ tiếc là cuối đời, ông đã phạm phải sai lẩm lớn (theo tôi)
để đến nỗi hình ảnh ông đã xấu đi một cách tồi tệ như đã nói ở trên.
Dấu sao tôi cũng đã lòng dạ nao nao khi nghe tin ông Kỳ ra đi. Phâi chăng vì đã nhớ tiếc một người ở cùng một lứa tuổi,cùng một thế hệ đã nếm đủ những ngọt bùi, chua cay của cuộc đời, đậc biệt ở một đất nước đã không may phải trải qua mấy cuộc chiến khốc liệt, vô nghĩa vì cuối cùng là bao sinh mạng bị hy sinh, đất nước bị tàn phá, hàng triệu người phâi bỏ nhà bô cứa lià bỏ quê hương sống gửi nơi đất khách quê người trong khi tại quê nhà những kẽ cựu thù (của Cộng sản) đang trở thành đồng minh hay đúng hơn là cứu tinh trước hiểm hoạ của Trung Cộng. Mặt thật đã được phơi bầy của những người đã lợi dụng lòng yêu nước cuả nhân dân đế áp đặt một ý thức hệ ngoại lai, một chế độ toàn trị, hà khắc, tham nhũng với một hố sâu cách biệt giầu nghèo ngày càng gia tăng rõ rệt, đàn áp , khủng bố càng ngày càng mãnh liệt trước phong trào chống đối mỗi ngày mỗi lan rộng trong quần chúng.
(xin đọc bài La fin d’un mythe của tác gỉa đã đăng trong Số Xuân Tân Mão của Hội Ái hữu các cựu nhân viên Ngoại giao VNCH).
Cuối cùng tôi chỉ còn biết cúi đầu thành kính vỉnh biệt người quá cố và cầu nguyện hương hồn Ông sớm về cõi Phật, trút bỏ mọi ưu tư, phiền lụy nơi trần thế.
Paris 27.07.2011
No comments:
Post a Comment