Hoa Kỳ Vỡ Nợ?
Nguyễn Xuân Nghĩa & Vũ Hoàng RFA
Sự Thật Về Chuyện Nợ Nần Của Hoa Kỳ...
Một tuần nữa, nếu Quốc hội Hoa Kỳ không quyết định nâng mức nợ trần, Chính quyền Liên bang có thể lâm vào cảnh ngộ gọi là "vỡ nợ" về kỹ thuật, mà có người còn gọi là "phá sản". Vì sao một cường quốc kinh tế có sản lượng lớn nhất địa cầu lại để xảy ra tình trạng này? Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về nguyên nhân và hậu quả của vấn đề qua cuộc trao đổi cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, do Vũ Hoàng thực hiện sau đây.
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa ông, tối Thứ Hai 25 tháng Bảy, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama lên đài truyền hình vào giờ cao điểm để trình bày trước dư luận về cuộc khủng hoảng có thể xảy ra nếu Quốc hội Mỹ không kịp tìm ra đồng thuận về công chi thu. Ngay sau đó, Chủ tịch Hạ viện là Dân biểu John Boehner thuộc bang Ohio cũng lên truyền hình trả lời và nêu ra luận cứ của đảng Cộng Hòa. Xuyên qua đó, người ta thấy ra sự cách biệt quá lớn giữa đảng Dân Chủ, hiện đang nắm Hành pháp và đa số tại Thượng viện, với đảng Cộng Hoà hiện kiểm soát Hạ viện. Vì khoảng cách quá lớn này, Hoa Kỳ sẽ khó tìm ra giải pháp trước ngày mùng hai tới, và sẽ lâm vào hoàn cảnh người ta gọi là "vỡ nợ".
Chúng tôi xin đề nghị là tiết mục chuyên đề của chúng ta sẽ phân tích sự thể này, vì thật ra việc một siêu cường kinh tế như Hoa Kỳ bị vỡ nợ thì quả là điều đáng ngạc nhiên. Ông nghĩ sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ là ta có thực chất của vấn đề và cũng có những ấn tượng đúng hay sai về hồ sơ rất phức tạp này mà mình sẽ cố gắng nhìn cho ra. Dù sao, những phát biểu của lãnh đạo hai đảng cũng nhằm tác động vào phần ấn tượng ấy để tranh thủ dư luận, và đấy là một khía cạnh đáng chú ý của sinh hoạt dân chủ.
Vũ Hoàng: Như vậy và theo thông lệ, xin ông trình bày cho bối cảnh của hồ sơ phức tạp này để thính giả cùng hiểu ra thực chất của vấn đề.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi xin căn cứ trên ước tính mới nhất của cơ quan nghiên cứu độc lập về ngân sách trong Quốc hội Mỹ là Congressional Budget Office, hay CBO, để tìm hiểu về bối cảnh của hồ sơ rất rắc rối này qua ba phần sau đây:
- Thứ nhất, chi tiêu của Chính quyền Liên bang Mỹ đã lên đến mức cao nhất từ sau Thế chiến II nếu ta so với sản lượng kinh tế. Trong tài khóa 2011, sẽ kết thúc cuối Tháng Chín, thì số tổng chi của ngân sách liên nang sẽ ở mức 24,1% Tổng sản lượng GDP và trong tài khóa 2009 thì nó là 25%, mức cao nhất kể từ năm 1945. Ngược lại, số thuế thu vào cho ngân sách chỉ có 14,9% GDP trong hai năm qua và trong tài khóa này thì có thể còn sụt đến mức 14,8%, là điều hãn hữu kể từ Thế chiến II. Tổng hợp lại, ta có thể nhớ hai con số là nếu chi ra 25% mà thu vào chỉ có 15% thì ngân sách liên bang sẽ bị bội chi khoảng 10% Tổng sản lượng, là một con số cực lớn.
- Thứ hai bị bội chi ngân sách thì Chính quyền Liên bang phải đi vay, cụ thể là phát hành Công khố phiếu cho công chúng ở trong và ngoài nước mua vào. Tổng số giấy nợ gọi là trái phiếu quốc gia ấy được gọi là "Công trái" và hiện nay, ngân sách liên bang mà chi ra một trăm đồng thì thực tế phải vay vào 36 đồng, là tình trạng gọi là "có cải thiện" vì năm 2009 thì vay vào đến 40 đồng. Khi đi vay thì cũng phải trả tiền lãi, là phân lời trái phiếu gọi là "yield". Khoản tiền lời ấy chiếm 5,7% số tổng chi ngân sách và thực tế thì sẽ còn tăng vì đã từng vay và còn tiếp tục vay. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF thì năm qua Hoa Kỳ là xứ mắc nợ vào hạng thứ 12 của thế giới!
- Thứ ba và sau cùng, khi muốn đi vay, Chính quyền Liên bang phải có sự đồng ý của Quốc hội và mức vay mượn này, xin tạm gọi là "định mức công trái" hay trần nợ của quốc gia, được Quốc hội cho điều chỉnh khi có nhu cầu. Định mức ấy hiện được ấn định từ Tháng Hai năm ngoái là 14 ngàn 294 tỷ, là con số rất cao, xấp xỉ với GDP. Dưới cái trần đó thì ngân sách liên bang còn có thể chi được chừng 700 tỷ đô la từ nay đến cuối năm, nhưng nếu không được nâng cho cao hơn thì Chính quyền Liên bang vẫn phạm luật của Quốc hội và bị rơi vào tình trạng kỹ thuật là "vỡ nợ" hay "default". Chính là chuyện vỡ nợ này mới gây hãi sợ cho mọi người và trở thành yếu tố chi phối nhận thức của dư luận, cũng là yếu tố tác động vào chính trị.
Vũ Hoàng: Xin cám ơn ông về sự tóm lược cô đọng ấy. Nhưng trước khi tìm hiểu vì sao Hoa Kỳ lại mắc nợ nhiều như vậy, xin hỏi ông về tình trạng gọi là "bội chi" là chi nhiều hơn thu...
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Ngay từ thời lập quốc hơn 235 năm trước, Hoa Kỳ vẫn thường bị bội chi ngân sách, chủ yếu là do chiến tranh, từ cuộc chiến giành độc lập cho đến trận Nội chiến và các cuộc chiến sau đó. Như vì Thế chiến II, Hoa Kỳ bị bội chi đến quá 30% Tổng sản lượng vào năm 1944. Nhưng rồi hoà bình vãn hồi và kinh tế tăng trưởng nên mức bội chi giảm dần. Hiện tại thì Hoa Kỳ đang ở trong thời chiến, và vào năm thứ 10, nên ta có thể nhìn thấy một lý do giải thích mà nhiều người có khi đã quên. Ngoài ra cũng còn nhiều lý do khác nữa.
Vũ Hoàng: Chúng ta sẽ nói về những lý do đó. Trước tiên, vì sao ngân sách liên bang Hoa Kỳ lại có số tổng chi lớn lao như ông vừa trình bày, là lên đến mức cao nhất từ sau Thế chiến II?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chúng ta có ba yếu tố chính, là người già, quốc phòng và xã hội.
- Thứ nhất, khoản công chi coi là bắt buộc cho yêu cầu về An sinh Xã hội và Ý tế Cao niên (hai chương trình Social Security và Medicare) hiện lên đến một phần ba số tổng chi (là 33,5%) và rất khó giảm. Thứ hai, vì vụ khủng bố 9-11 năm 2001, Hoa Kỳ bước vào thời chiến với chi phí quốc phòng và bảo vệ an ninh nội địa gia tăng. Riêng ngân sách quốc phòng từ 3% GDP vào năm 2001 đã lên tới 4,8% GDP và hiện lên tới một phần năm số tổng chi, là hơn 20%. Thứ ba, kinh tế Mỹ bị khủng hoảng tài chính năm 2008 giữa chu kỳ suy trầm khiến nhu cầu kích thích kinh tế và cứu trợ xã hội còn đẩy mức công chi lên những kỷ lục mới.
- Nhân đây, xin nhắc lại rằng cả hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ đều có trách nhiệm khi Quốc hội cho tăng chi ào ạt như vậy. Chính quyền Bush thì mở ra chương trinh trợ cấp dược phẩm cho người già vào năm 2003, gọi là Prescription drug benefit. Quốc hội trong tay đảng Dân Chủ sau các cuộc bầu cử 2006 và 2008 cũng góp phần tăng chi đáng kể mà không bị ông Bush phủ quyết, đấy là một trách nhiệm của ông ta. Sau đó, Chính quyền Obama từ đầu năm 2009 lại tiếp tục tăng chi với nhiều kế hoạch tốn kém khác trong hơn hai năm qua nên mới dẫn đến tình trạng khó khăn hiện nay.
Vũ Hoàng: Bước sang phần thu thì vì sao nguồn thu thuế khóa của Hoa Kỳ lại sụt tới mức thấp đến như vậy, là có khoảng 15% Tổng sản lượng mà thôi?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trước hết là do chu kỳ sản xuất, kế tiếp là vì chính sách kinh tế.
- Tám năm cầm quyền của Tổng thống Bush mở đầu với trận suy trầm 2001 và kết thúc với nạn suy trầm 2008-2009. Suy trầm sản xuất là hiện tượng chu kỳ mà dù là Tổng thống thì cũng chẳng thể gây ra, cùng lắm thì giảm bớt được tác hại mà không gieo thêm họa vì liều thuốc đổ bệnh. Khi kinh tế suy sụp thì sản xuất giảm và số thu các sắc thuế giảm theo, và giảm trong thời chiến.
- Về chính sách thì khi kinh tế suy trầm và ngay trong thời chiến, Chính quyền Bush đã không tăng thuế để tài trợ chiến phí mà còn hạ thuế, qua hai đợt 2001 và 2003, chủ yếu là để kích thích sản xuất, với hy vọng là sản xuất phục hồi sẽ nâng được mức thu. Quốc hội trong tay cả hai đảng Cộng Hoà rồi Dân Chủ đều bỏ phiếu chấp nhận việc giảm thuế đó, chứ Hành pháp Bush không thể đơn phương tự tiện cắt thuế được.
- Cũng về chính sách, khi đảng Dân Chủ chiếm đa số bên Lập pháp từ sau năm 2006 rồi cả Hành pháp từ sau năm 2008, thì biện pháp gọi là giảm thuế cho người nghèo, thực tế là hạ mức thuế lương bổng cho quỹ An sinh và Y tế cũng giúp cho 46,5% đơn vị thọ thuế được miễn thuế. Lợi ích xã hội, tức là cái "được" đó, đi cùng một phí tổn về ngân sách, là cái "mất", mà nhiều người lại quên lãng, hoặc không tính ra. Đấy là bài toán cổ điển về kinh tế chính trị.
- Tổng kết lại thì tai họa kinh tế, chiến tranh và cả những quyết định chi thu về ngân sách và thuế vụ đã dẫn đến tình trạng khó khăn ngày nay. Kế đó, cuộc bầu cử năm 2010 lại giúp đảng Cộng Hoà kiểm soát Hạ viện trong khi đảng Dân Chủ vẫn giữ Thượng viện và Hành pháp nên ta gặp cảnh ách tắc chính trị mà diễn đàn này đã nhiều lần nói đến. Đã thế, cuộc tổng tuyển cử năm tới lại chi phối các quyết định hay luận cứ của cả hai đảng và đang gây ấn tượng xấu cho thị trường.
Vũ Hoàng: Quả là chuyện phức tạp rắc rối, nhưng như chính ông đã có lần phát biểu, ách tắc hay rắc rối này là một thực tế của sinh hoạt dân chủ khiến cho không một siêu quyền lực nào bên đảng Cộng Hoà hay Dân Chủ lại có thể tự tiện lấy quyết định thay cho người dân. Giờ đây thì tình hình sẽ xoay chuyển ra sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi cho rằng công chúng Mỹ và dư luận các thị trường trên thế giới đang ảnh hưởng ngược vào chính trường Hoa Kỳ khiến lãnh đạo Hành pháp và Lập pháp phải tìm ra nền tảng đồng thuận, nếu không muốn bị cử tri trừng phạt vào năm tới.
- Tuy nhiên, vì trận tranh cãi về ngân sách đã trải qua bảy tháng mà chưa có giải pháp, tôi e là người ta khó hòa giải nội trong bảy ngày. Cụ thể thì Hạ viện Cộng Hoà sẽ biểu quyết kế hoạch cứu nguy vào Thứ Tư này, sau đó đến Thượng viện Dân Chủ. Sau cùng, họ là phải kết hợp hai dự luật quá khác biệt làm một rồi đưa lên Tổng thống ban hành trước Thứ Ba tới đây, là điều coi như khó kịp.
Vũ Hoàng: Trong kịch bản bi quan đó, tuần tới đây Hoa Kỳ có thể rơi vào tình trạng gọi là "vỡ nợ" hay sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ như vậy nhưng xin nói ngược rằng chưa chắc điều ấy đã là kịch bản bi quan và xin giải thích như sau:
- Về thủ tục và luật lệ, bộ Ngân khố và Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ vẫn có thể tìm ra giải pháp tạm thời chứ không thể có chuyện chính quyền liên bang bị kẹt vì không có tiền thanh toán việc điều hành bộ máy công quyền giữa thời chiến và trong tình trạng kinh tế đình trệ, thất nghiệp cao. Tuy nhiên, chính trường thường gây ra ấn tượng nguy nàn khủng hoảng này để lung lạc dư luận theo quan điểm của mình. Thực tế thì đây là vấn đề nghiêm trọng nhưng không là chuyện nước Mỹ bị phá sản, bị vỡ nợ!
- Về phản ứng trị trường thì Hoa Kỳ đã mắc nợ quá nhiều nên thị trường trái phiếu Mỹ không thể trụ ở hạng cao nhất với ba chữ A (AAA) mà đã bị cảnh báo là sẽ bị tụt hạng và thực tế có thể bị tụt hạng trong tuần tới. Đây là điều bất lợi đã từng xảy ra cho nhiều nước và cả Hoa Kỳ nhưng chưa hẳn là tình trạng nguy ngập như hoàn cảnh của Hy Lạp.
Vũ Hoàng: Xin hỏi ngay ông một câu. Ông cho rằng tuần tới các công ty lượng cấp trái phiếu có thể đánh sụt mức tín nhiệm vào Công khố phiếu Hoa Kỳ hay sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thực tế thì thị trường tài chính có dự đoán kịch bản này nên đã đánh sụt Mỹ kim so với vàng hay các ngoại tệ mạnh khác. Thứ nữa, nếu Hoa Kỳ không quyết định giảm chi khoảng 4.000 tỷ đô la trong 10 năm tới - chứ không phải là một vài ngàn, thì dù có nâng mức đi vay thêm sáu tháng hoặc một năm để cho qua kỳ bầu cử - thì mức tín nhiệm công trái của Mỹ vẫn sẽ bị sụt, ít ra một nấc!
Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối, thưa ông, nếu cơ sự lại nghiêm trọng như vậy thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trước hết, lãi suất dài hạn tại Hoa Kỳ sẽ tăng và đấy là một bất lợi cho kinh tế.
- Nhưng vì mức lãi ấy tương đối còn thấp và đêm Thứ Hai qua ngày Thứ Ba còn giảm, kỳ hạn 10 năm từ 3,03% chỉ còn 2,96% hoặc 2,95%, nên sự phê phán của thị trường chưa đến nỗi nặng. Nôm na là lãi suất có tăng thì cũng không gây ra khủng hoảng, chưa kể rằng thị trường Mỹ vẫn là nơi đầu tư an toàn nhất.
- Nhưng, và đây là yếu tố tích cực của bi kịch: khi bị thị trường phê phán như vậy và gây công phẫn cho dư luận thì chính trường Mỹ phải cải sửa quy cách vận hành. Phải có tinh thần trách nhiệm hơn trong công chi thu tài nguyên quốc gia, phải chấp nhận là vừa giảm chi vừa tăng thuế và đừng doạ nạt hoặc lừa mị người dân rồi đổ lỗi cho ai khác trong một chu kỳ tranh cử.
- Mặt khác, dân Mỹ cũng cần thấy rằng ở đời không có gì là miễn phí và phúc lợi của mình được tiền thuế của ai đó trang trải. Nghĩa là người ta phải trả giá cho các bài học và vì thế mà tôi lại... lạc quan về một vụ khủng hoảng!
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nguyễn Xuân Nghĩa về cuộc trao đổi rất bổ ích và thú vị này
Nguyễn Xuân Nghĩa & Vũ Hoàng RFA
Sự Thật Về Chuyện Nợ Nần Của Hoa Kỳ...
Một tuần nữa, nếu Quốc hội Hoa Kỳ không quyết định nâng mức nợ trần, Chính quyền Liên bang có thể lâm vào cảnh ngộ gọi là "vỡ nợ" về kỹ thuật, mà có người còn gọi là "phá sản". Vì sao một cường quốc kinh tế có sản lượng lớn nhất địa cầu lại để xảy ra tình trạng này? Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về nguyên nhân và hậu quả của vấn đề qua cuộc trao đổi cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, do Vũ Hoàng thực hiện sau đây.
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa ông, tối Thứ Hai 25 tháng Bảy, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama lên đài truyền hình vào giờ cao điểm để trình bày trước dư luận về cuộc khủng hoảng có thể xảy ra nếu Quốc hội Mỹ không kịp tìm ra đồng thuận về công chi thu. Ngay sau đó, Chủ tịch Hạ viện là Dân biểu John Boehner thuộc bang Ohio cũng lên truyền hình trả lời và nêu ra luận cứ của đảng Cộng Hòa. Xuyên qua đó, người ta thấy ra sự cách biệt quá lớn giữa đảng Dân Chủ, hiện đang nắm Hành pháp và đa số tại Thượng viện, với đảng Cộng Hoà hiện kiểm soát Hạ viện. Vì khoảng cách quá lớn này, Hoa Kỳ sẽ khó tìm ra giải pháp trước ngày mùng hai tới, và sẽ lâm vào hoàn cảnh người ta gọi là "vỡ nợ".
Chúng tôi xin đề nghị là tiết mục chuyên đề của chúng ta sẽ phân tích sự thể này, vì thật ra việc một siêu cường kinh tế như Hoa Kỳ bị vỡ nợ thì quả là điều đáng ngạc nhiên. Ông nghĩ sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ là ta có thực chất của vấn đề và cũng có những ấn tượng đúng hay sai về hồ sơ rất phức tạp này mà mình sẽ cố gắng nhìn cho ra. Dù sao, những phát biểu của lãnh đạo hai đảng cũng nhằm tác động vào phần ấn tượng ấy để tranh thủ dư luận, và đấy là một khía cạnh đáng chú ý của sinh hoạt dân chủ.
Vũ Hoàng: Như vậy và theo thông lệ, xin ông trình bày cho bối cảnh của hồ sơ phức tạp này để thính giả cùng hiểu ra thực chất của vấn đề.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi xin căn cứ trên ước tính mới nhất của cơ quan nghiên cứu độc lập về ngân sách trong Quốc hội Mỹ là Congressional Budget Office, hay CBO, để tìm hiểu về bối cảnh của hồ sơ rất rắc rối này qua ba phần sau đây:
- Thứ nhất, chi tiêu của Chính quyền Liên bang Mỹ đã lên đến mức cao nhất từ sau Thế chiến II nếu ta so với sản lượng kinh tế. Trong tài khóa 2011, sẽ kết thúc cuối Tháng Chín, thì số tổng chi của ngân sách liên nang sẽ ở mức 24,1% Tổng sản lượng GDP và trong tài khóa 2009 thì nó là 25%, mức cao nhất kể từ năm 1945. Ngược lại, số thuế thu vào cho ngân sách chỉ có 14,9% GDP trong hai năm qua và trong tài khóa này thì có thể còn sụt đến mức 14,8%, là điều hãn hữu kể từ Thế chiến II. Tổng hợp lại, ta có thể nhớ hai con số là nếu chi ra 25% mà thu vào chỉ có 15% thì ngân sách liên bang sẽ bị bội chi khoảng 10% Tổng sản lượng, là một con số cực lớn.
- Thứ hai bị bội chi ngân sách thì Chính quyền Liên bang phải đi vay, cụ thể là phát hành Công khố phiếu cho công chúng ở trong và ngoài nước mua vào. Tổng số giấy nợ gọi là trái phiếu quốc gia ấy được gọi là "Công trái" và hiện nay, ngân sách liên bang mà chi ra một trăm đồng thì thực tế phải vay vào 36 đồng, là tình trạng gọi là "có cải thiện" vì năm 2009 thì vay vào đến 40 đồng. Khi đi vay thì cũng phải trả tiền lãi, là phân lời trái phiếu gọi là "yield". Khoản tiền lời ấy chiếm 5,7% số tổng chi ngân sách và thực tế thì sẽ còn tăng vì đã từng vay và còn tiếp tục vay. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF thì năm qua Hoa Kỳ là xứ mắc nợ vào hạng thứ 12 của thế giới!
- Thứ ba và sau cùng, khi muốn đi vay, Chính quyền Liên bang phải có sự đồng ý của Quốc hội và mức vay mượn này, xin tạm gọi là "định mức công trái" hay trần nợ của quốc gia, được Quốc hội cho điều chỉnh khi có nhu cầu. Định mức ấy hiện được ấn định từ Tháng Hai năm ngoái là 14 ngàn 294 tỷ, là con số rất cao, xấp xỉ với GDP. Dưới cái trần đó thì ngân sách liên bang còn có thể chi được chừng 700 tỷ đô la từ nay đến cuối năm, nhưng nếu không được nâng cho cao hơn thì Chính quyền Liên bang vẫn phạm luật của Quốc hội và bị rơi vào tình trạng kỹ thuật là "vỡ nợ" hay "default". Chính là chuyện vỡ nợ này mới gây hãi sợ cho mọi người và trở thành yếu tố chi phối nhận thức của dư luận, cũng là yếu tố tác động vào chính trị.
Vũ Hoàng: Xin cám ơn ông về sự tóm lược cô đọng ấy. Nhưng trước khi tìm hiểu vì sao Hoa Kỳ lại mắc nợ nhiều như vậy, xin hỏi ông về tình trạng gọi là "bội chi" là chi nhiều hơn thu...
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Ngay từ thời lập quốc hơn 235 năm trước, Hoa Kỳ vẫn thường bị bội chi ngân sách, chủ yếu là do chiến tranh, từ cuộc chiến giành độc lập cho đến trận Nội chiến và các cuộc chiến sau đó. Như vì Thế chiến II, Hoa Kỳ bị bội chi đến quá 30% Tổng sản lượng vào năm 1944. Nhưng rồi hoà bình vãn hồi và kinh tế tăng trưởng nên mức bội chi giảm dần. Hiện tại thì Hoa Kỳ đang ở trong thời chiến, và vào năm thứ 10, nên ta có thể nhìn thấy một lý do giải thích mà nhiều người có khi đã quên. Ngoài ra cũng còn nhiều lý do khác nữa.
Vũ Hoàng: Chúng ta sẽ nói về những lý do đó. Trước tiên, vì sao ngân sách liên bang Hoa Kỳ lại có số tổng chi lớn lao như ông vừa trình bày, là lên đến mức cao nhất từ sau Thế chiến II?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chúng ta có ba yếu tố chính, là người già, quốc phòng và xã hội.
- Thứ nhất, khoản công chi coi là bắt buộc cho yêu cầu về An sinh Xã hội và Ý tế Cao niên (hai chương trình Social Security và Medicare) hiện lên đến một phần ba số tổng chi (là 33,5%) và rất khó giảm. Thứ hai, vì vụ khủng bố 9-11 năm 2001, Hoa Kỳ bước vào thời chiến với chi phí quốc phòng và bảo vệ an ninh nội địa gia tăng. Riêng ngân sách quốc phòng từ 3% GDP vào năm 2001 đã lên tới 4,8% GDP và hiện lên tới một phần năm số tổng chi, là hơn 20%. Thứ ba, kinh tế Mỹ bị khủng hoảng tài chính năm 2008 giữa chu kỳ suy trầm khiến nhu cầu kích thích kinh tế và cứu trợ xã hội còn đẩy mức công chi lên những kỷ lục mới.
- Nhân đây, xin nhắc lại rằng cả hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ đều có trách nhiệm khi Quốc hội cho tăng chi ào ạt như vậy. Chính quyền Bush thì mở ra chương trinh trợ cấp dược phẩm cho người già vào năm 2003, gọi là Prescription drug benefit. Quốc hội trong tay đảng Dân Chủ sau các cuộc bầu cử 2006 và 2008 cũng góp phần tăng chi đáng kể mà không bị ông Bush phủ quyết, đấy là một trách nhiệm của ông ta. Sau đó, Chính quyền Obama từ đầu năm 2009 lại tiếp tục tăng chi với nhiều kế hoạch tốn kém khác trong hơn hai năm qua nên mới dẫn đến tình trạng khó khăn hiện nay.
Vũ Hoàng: Bước sang phần thu thì vì sao nguồn thu thuế khóa của Hoa Kỳ lại sụt tới mức thấp đến như vậy, là có khoảng 15% Tổng sản lượng mà thôi?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trước hết là do chu kỳ sản xuất, kế tiếp là vì chính sách kinh tế.
- Tám năm cầm quyền của Tổng thống Bush mở đầu với trận suy trầm 2001 và kết thúc với nạn suy trầm 2008-2009. Suy trầm sản xuất là hiện tượng chu kỳ mà dù là Tổng thống thì cũng chẳng thể gây ra, cùng lắm thì giảm bớt được tác hại mà không gieo thêm họa vì liều thuốc đổ bệnh. Khi kinh tế suy sụp thì sản xuất giảm và số thu các sắc thuế giảm theo, và giảm trong thời chiến.
- Về chính sách thì khi kinh tế suy trầm và ngay trong thời chiến, Chính quyền Bush đã không tăng thuế để tài trợ chiến phí mà còn hạ thuế, qua hai đợt 2001 và 2003, chủ yếu là để kích thích sản xuất, với hy vọng là sản xuất phục hồi sẽ nâng được mức thu. Quốc hội trong tay cả hai đảng Cộng Hoà rồi Dân Chủ đều bỏ phiếu chấp nhận việc giảm thuế đó, chứ Hành pháp Bush không thể đơn phương tự tiện cắt thuế được.
- Cũng về chính sách, khi đảng Dân Chủ chiếm đa số bên Lập pháp từ sau năm 2006 rồi cả Hành pháp từ sau năm 2008, thì biện pháp gọi là giảm thuế cho người nghèo, thực tế là hạ mức thuế lương bổng cho quỹ An sinh và Y tế cũng giúp cho 46,5% đơn vị thọ thuế được miễn thuế. Lợi ích xã hội, tức là cái "được" đó, đi cùng một phí tổn về ngân sách, là cái "mất", mà nhiều người lại quên lãng, hoặc không tính ra. Đấy là bài toán cổ điển về kinh tế chính trị.
- Tổng kết lại thì tai họa kinh tế, chiến tranh và cả những quyết định chi thu về ngân sách và thuế vụ đã dẫn đến tình trạng khó khăn ngày nay. Kế đó, cuộc bầu cử năm 2010 lại giúp đảng Cộng Hoà kiểm soát Hạ viện trong khi đảng Dân Chủ vẫn giữ Thượng viện và Hành pháp nên ta gặp cảnh ách tắc chính trị mà diễn đàn này đã nhiều lần nói đến. Đã thế, cuộc tổng tuyển cử năm tới lại chi phối các quyết định hay luận cứ của cả hai đảng và đang gây ấn tượng xấu cho thị trường.
Vũ Hoàng: Quả là chuyện phức tạp rắc rối, nhưng như chính ông đã có lần phát biểu, ách tắc hay rắc rối này là một thực tế của sinh hoạt dân chủ khiến cho không một siêu quyền lực nào bên đảng Cộng Hoà hay Dân Chủ lại có thể tự tiện lấy quyết định thay cho người dân. Giờ đây thì tình hình sẽ xoay chuyển ra sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi cho rằng công chúng Mỹ và dư luận các thị trường trên thế giới đang ảnh hưởng ngược vào chính trường Hoa Kỳ khiến lãnh đạo Hành pháp và Lập pháp phải tìm ra nền tảng đồng thuận, nếu không muốn bị cử tri trừng phạt vào năm tới.
- Tuy nhiên, vì trận tranh cãi về ngân sách đã trải qua bảy tháng mà chưa có giải pháp, tôi e là người ta khó hòa giải nội trong bảy ngày. Cụ thể thì Hạ viện Cộng Hoà sẽ biểu quyết kế hoạch cứu nguy vào Thứ Tư này, sau đó đến Thượng viện Dân Chủ. Sau cùng, họ là phải kết hợp hai dự luật quá khác biệt làm một rồi đưa lên Tổng thống ban hành trước Thứ Ba tới đây, là điều coi như khó kịp.
Vũ Hoàng: Trong kịch bản bi quan đó, tuần tới đây Hoa Kỳ có thể rơi vào tình trạng gọi là "vỡ nợ" hay sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ như vậy nhưng xin nói ngược rằng chưa chắc điều ấy đã là kịch bản bi quan và xin giải thích như sau:
- Về thủ tục và luật lệ, bộ Ngân khố và Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ vẫn có thể tìm ra giải pháp tạm thời chứ không thể có chuyện chính quyền liên bang bị kẹt vì không có tiền thanh toán việc điều hành bộ máy công quyền giữa thời chiến và trong tình trạng kinh tế đình trệ, thất nghiệp cao. Tuy nhiên, chính trường thường gây ra ấn tượng nguy nàn khủng hoảng này để lung lạc dư luận theo quan điểm của mình. Thực tế thì đây là vấn đề nghiêm trọng nhưng không là chuyện nước Mỹ bị phá sản, bị vỡ nợ!
- Về phản ứng trị trường thì Hoa Kỳ đã mắc nợ quá nhiều nên thị trường trái phiếu Mỹ không thể trụ ở hạng cao nhất với ba chữ A (AAA) mà đã bị cảnh báo là sẽ bị tụt hạng và thực tế có thể bị tụt hạng trong tuần tới. Đây là điều bất lợi đã từng xảy ra cho nhiều nước và cả Hoa Kỳ nhưng chưa hẳn là tình trạng nguy ngập như hoàn cảnh của Hy Lạp.
Vũ Hoàng: Xin hỏi ngay ông một câu. Ông cho rằng tuần tới các công ty lượng cấp trái phiếu có thể đánh sụt mức tín nhiệm vào Công khố phiếu Hoa Kỳ hay sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thực tế thì thị trường tài chính có dự đoán kịch bản này nên đã đánh sụt Mỹ kim so với vàng hay các ngoại tệ mạnh khác. Thứ nữa, nếu Hoa Kỳ không quyết định giảm chi khoảng 4.000 tỷ đô la trong 10 năm tới - chứ không phải là một vài ngàn, thì dù có nâng mức đi vay thêm sáu tháng hoặc một năm để cho qua kỳ bầu cử - thì mức tín nhiệm công trái của Mỹ vẫn sẽ bị sụt, ít ra một nấc!
Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối, thưa ông, nếu cơ sự lại nghiêm trọng như vậy thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trước hết, lãi suất dài hạn tại Hoa Kỳ sẽ tăng và đấy là một bất lợi cho kinh tế.
- Nhưng vì mức lãi ấy tương đối còn thấp và đêm Thứ Hai qua ngày Thứ Ba còn giảm, kỳ hạn 10 năm từ 3,03% chỉ còn 2,96% hoặc 2,95%, nên sự phê phán của thị trường chưa đến nỗi nặng. Nôm na là lãi suất có tăng thì cũng không gây ra khủng hoảng, chưa kể rằng thị trường Mỹ vẫn là nơi đầu tư an toàn nhất.
- Nhưng, và đây là yếu tố tích cực của bi kịch: khi bị thị trường phê phán như vậy và gây công phẫn cho dư luận thì chính trường Mỹ phải cải sửa quy cách vận hành. Phải có tinh thần trách nhiệm hơn trong công chi thu tài nguyên quốc gia, phải chấp nhận là vừa giảm chi vừa tăng thuế và đừng doạ nạt hoặc lừa mị người dân rồi đổ lỗi cho ai khác trong một chu kỳ tranh cử.
- Mặt khác, dân Mỹ cũng cần thấy rằng ở đời không có gì là miễn phí và phúc lợi của mình được tiền thuế của ai đó trang trải. Nghĩa là người ta phải trả giá cho các bài học và vì thế mà tôi lại... lạc quan về một vụ khủng hoảng!
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nguyễn Xuân Nghĩa về cuộc trao đổi rất bổ ích và thú vị này
No comments:
Post a Comment