Friday, July 29, 2011

Ông Nguyễn Tấn Dũng tái đắc cử thủ tướng Việt Nam
Ông Nguyễn Tấn Dũng cùng các cưụ lãnh đạo Lê Khả Phiêu, Lê Đức Anh, Nguyễn Minh Triết tại phiên  họp Quốc Hội mới, ngày 21/07/2011.
Ông Nguyễn Tấn Dũng cùng các cưụ lãnh đạo Lê Khả Phiêu, Lê Đức Anh, Nguyễn Minh Triết tại phiên họp Quốc Hội mới, ngày 21/07/2011.
Reuters
Thanh Phương
Hôm nay, các đại biểu Quốc hội Việt Nam đã bỏ phiếu bầu ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng thêm một nhiệm kỳ 5 năm. Ông Nguyễn Tấn Dũng đã tái đắc cử với 94% phiếu bầu. Thật ra, cũng giống như đối với các chức vụ lãnh đạo khác, cuộc bỏ phiếu hôm nay chỉ mang tính hình thức, vì mọi việc đều đã được quyết định từ Đại hội Đảng tháng Giêng vừa qua.
Năm nay 62 tuổi, sinh tại Cà Mau, ông Nguyễn Tấn Dũng xuất thân từ quân đội, từng giữ chức chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang, rồi bí thư tỉnh Kiên Giang. Có thể nói ông là một trong những nhân vật lên nhanh nhất trong chính giới Việt Nam. Năm 1995, ông Nguyễn Tấn Dũng được thăng chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong chính phủ Võ Văn Kiệt và Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Năm sau đó, ông trở thành ủy viên trẻ tuổi nhất của Bộ Chính trị và kể từ đó liên tục được bầu vào Bộ Chính trị trong mỗi kỳ Đại hội Đảng. Năm 1997, ông được giao giữ chức Phó thủ tướng, rồi Phó thủ tướng thường trực. Đến tháng 6/2006, ông Nguyễn Tấn Dũng trở thành thủ tướng trẻ nhất Việt Nam kể từ năm 1975.
Theo nhận định của ông Philippe Papin, nhà sử học chuyên nghiên cứu về Việt Nam ở Paris, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng được nhiều người đặt kỳ vọng, vì ông là người gốc miền Nam, tương đối trẻ và có quan hệ với cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt, vốn được coi là nhà kiến tạo chính sách đổi mới ở Việt Nam.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và đã tăng cường quan hệ thương mại và kinh tế với kẻ thù của Hoa Kỳ. Nói chung, Việt Nam trong 5 năm qua đã tiếp tục mở cửa kinh tế, tuy vẫn kiểm soát chặt chẽ về chính trị.
Nhưng ông Nguyễn Tấn Dũng cũng đã mất nhiều uy tín do đã quyết định cho phép khai thác bauxite ở Tây Nguyên và vì trách nhiệm của ông trong việc tập đoàn Vinashin đi đến chỗ gần như phá sản. Ông cũng bị chỉ trích là không đạt kết quả gì trong việc chống nạn tham nhũng lan tràn trong mọi cấp chính quyền.
Trước kỳ Đại hội Đảng vừa qua, ông Nguyễn Tấn Dũng đã phải đấu đá quyết liệt với đối thủ chính trị Trương Tấn Sang, nhân vật cũng muốn lên lãnh đạo chính phủ. Nhưng nhờ sự ủng hộ cùa bộ máy công an và quân đội, nên ông Nguyễn Tấn Dũng đã củng cố được vị thế. Cuối cùng, ông Trương Tấn Sang đành phải bằng lòng với chức chủ tịch Nước, một chức vụ hầu như chỉ có tính chất hình thức.
Thế lực của ông Nguyễn Tấn Dũng càng tăng thêm sau khi hôm thứ bảy vừa qua, nhân vật được coi là đồng minh của ông là Nguyễn Sinh Hùng chính thức được bầu làm chủ tịch Quốc hội. Về mặt lý thuyết, nhân vật lãnh đạo số một của chế độ Hà Nội là tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng, nhưng theo các nhà phân tích, trong bộ ba cầm quyền hiện nay, ông Nguyễn Tấn Dũng rõ ràng là nhân vật có thế lực nhất.

No comments:

Post a Comment